Thành lập từ năm 2003, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp EverGrowth (ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã vươn mình phát triển trở thành hợp tác xã mạnh về chăn nuôi bò sữa, thường được bà con nhắc tới với tên gọi dân dã “Hợp tác bò sữa Sóc Trăng”. 

Giám đốc Trần Hoàng An cho hay, Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc kinh tế: Phục vụ với giá thấp nhất có thể; Phân chia thặng dư theo tỉ lệ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; và Tự chủ về tài chính.

Các thành viên chăn nuôi bò sữa đã được Hợp tác xã hỗ trợ những dịch vụ tốt nhất như: Thụ tinh nhân tạo cải thiện chất lượng con giống; Khám và điều trị các bệnh trên bò sữa; Hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ (cỏ voi, cỏ Cysteria…); Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò từng giai đoạn (bê sơ sinh, hậu bị, sinh sản…); Cung cấp thức ăn tinh, thuốc thú y; Cung cấp máy vắt sữa, máy cắt cỏ, can nhôm, xô nhôm, khăn, vải lược sữa… 

Người nuôi bò sữa được nhà máy cung cấp thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật kết hợp nguồn cỏ tươi để cải thiện năng suất sữa.

Sau khi xây dựng nhà máy thức ăn gia súc, vào dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động, các thành viên Hợp tác xã đã tham gia góp vốn cổ phần cùng với các cổ đông chiến lược làm chủ đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng). 

Nhà máy sữa được lắp đặt dây chuyền thiết bị tiên tiến từ châu Âu, công suất chế biến 80 tấn sữa tươi/ngày, tổng vốn đầu tư 12 triệu USD.

Hợp tác xã có xe chở sữa chuyên dụng, thu mua sữa chở về nhà máy. Mỗi ngày, toàn hợp tác xã cung cấp đều đặn hơn 20 tấn sữa tươi, nhà máy tiếp nhận sữa bò nguyên liệu từ các hộ thành viên tại 5 điểm tập kết ở các địa phương. 

anh bai 39.jpg
Sữa từ cơ sở sản xuất của các thành viên sẽ được Hợp tác xã thu mua với mức giá cao hơn bên ngoài thị trường từ 5 - 10%. 

Sữa từ cơ sở sản xuất của các thành viên sẽ được Hợp tác xã thu mua với mức giá cao hơn bên ngoài thị trường từ 5 - 10%. Mỗi hộ nuôi bò sữa bán sữa về nhà máy được cấp mã số, quét qua máy đọc ghi nhận các chỉ số về địa chỉ hộ chăn nuôi, số lượng sữa bán. Bộ phận thu mua sẽ lấy mẫu sữa kiểm tra và lưu trữ. Sau 15 ngày, Hợp tác xã chuyển tiền qua thẻ tài khoản ngân hàng cho các hộ chăn nuôi.

Sau khoảng 20 năm kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã đã có bước phát triển vượt bậc. Từ số vốn ban đầu hơn 170 triệu đồng, đến nay nguồn lực của Hợp tác xã đã lên trên chục tỷ đồng. 

“Sau khi kết thúc năm tài chính, Hợp tác xã chia sẻ lợi nhuận 60% cho các thành viên, 40% còn lại Hợp tác xã dành cho quỹ phúc lợi, quỹ khuyến học và một phần quỹ tái đầu tư”, Giám đốc Trần Hoài An thông tin thêm.

Hoạt động đúng hướng nên quy mô sản xuất của Hợp tác xã ngày càng lớn mạnh, thu hút ngày càng nhiều hộ thành viên tham gia. Số hộ nuôi bò sữa hiện đã tăng lên trên 2.000 hộ thành viên, bao gồm gần 100 tổ hợp tác, trải khắp trên 3 huyện 1 thành phố (90% bà con xã viên là đồng bào dân tộc Khmer). 

Mô hình chăn nuôi bò sữa là hướng đi mới trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Tăng Ương, ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Trần Đề phấn khởi kể: “Hiện nay, mỗi ngày đàn bò của nhà tôi cho khoảng 90 kg sữa, với giá dao động từ 11.000 – 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi gần 700 nghìn đồng, như vậy ước tính mỗi tháng tôi có hơn 20 triệu đồng”.

“Từ sản xuất bò sữa, đời sống đồng bào Khmer phát triển tốt hơn, số hộ nghèo trước đây chiếm hơn 30%, giờ giảm xuống dưới 5%. Đây là thành công lớn có sự đóng góp của mô hình Hợp tác xã chúng tôi, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth tự hào chia sẻ.

Quang Ninh và nhóm PV, BTV