Hợp tác xã Khiết Tâm là 1 trong 27 hợp tác xã nông nghiệp điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long tham dự Hội nghị Định hướng hợp tác xã phát triển bền vững tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới vừa được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. 

Trước đó, tại hội nghị tuyên dương hợp tác xã điển hình tiên tiến thành phố Cần Thơ giai đoạn 2019 – 2022, Khiết Tâm là 1 trong 10 hợp tác xã tiêu biểu được Ủy ban nhân dân Thành phố tuyên dương, khen thưởng.

Chia sẻ về vinh dự này, Giám đốc Nguyễn Ngọc Huấn khẳng định: “Kết quả hôm nay có được là nhờ tất cả các thành viên đã cùng chung tay xây dựng hợp tác xã”.

Hợp tác xã Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ chính thức được thành lập năm 2015, tiền thân là tổ hợp tác sản xuất lúa giống Khiết Tâm. 

Năm 2016, Hợp tác xã đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa, đưa kỹ thuật và cơ giới hóa vào đồng ruộng, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính. 

anh 1.jpg
Hợp tác xã Khiết Tâm đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất. Ảnh: B.M

Hợp tác xã đã vận động 161 nông dân tham gia sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, với tổng diện tích 340 ha, tổ chức, hướng dẫn nhà nông tích cực ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác giống lúa Jasmine 85 và OM theo quy trình GAP. 

Hợp tác xã đã chủ động tổ chức thuê máy móc từ Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đem về phục vụ cơ giới hóa sản xuất cho các thành viên. Bên cạnh các loại máy gặt đập liên hợp, máy san ủi đất bằng tia laser, máy cuốn rơm…, Hợp tác xã còn đầu tư thêm máy bay không người lái để chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất lúa gạo của các thành viên.

Với sự hỗ trợ từ dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), Hợp tác xã Khiết Tâm đã nhận được nguồn vốn khoảng gần 10 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị. Hiện tại, Hợp tác xã có nhà kho với khả năng lưu trữ 1.000 tấn lúa, lò sấy lúa công suất 50 tấn/mẻ, máy tách hạt, xây dựng 4 trạm bơm điện, có công suất tưới tiêu cho hơn 2.500ha...

Nhờ có lợi thế về cơ sở vật chất và vốn điều lệ cao (trên 7,2 tỉ đồng), nên Hợp tác xã Khiết Tâm đã thực hiện tốt các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp cũng như sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 

Hiện Hợp tác xã có năng lực cung ứng từ 600 tấn đến trên 1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận/vụ để cung cấp cho Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình và các đối tác khác.

Lúa hàng hóa của Hợp tác xã luôn được các đối tác, doanh nghiệp thu mua giá cao hơn từ 500 - 700 đồng/kg so với bên ngoài, từ đó đã giúp cho các thành viên và nông dân vào Hợp tác xã yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo lợi nhuận của Hợp tác xã đạt trên 900 triệu đồng/vụ, thu nhập của người lao động đạt trên 4,1 triệu đồng/tháng.

Ông Đoàn Văn Minh, thành viên Hợp tác xã kể: “Trước làm đơn lẻ, ruộng nhà nào nhà nấy làm. Giờ vào Hợp tác xã có máy gặt đập, máy cày, trạm bơm… nên giá thành đầu vào giảm đi, thu nhập tăng khoảng 14 – 15 triệu đồng/ha”.

Ngoài tổ chức tốt khâu sản xuất, tiêu thụ cho 340 ha lúa của 40 thành viên, Hợp tác xã Khiết Tâm còn liên kết sản xuất tiêu thụ 1.200 ha lúa cho bà con nông dân trong vùng.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo sạch Khiết Tâm, Hợp tác xã tuyên truyền cho thành viên thực hiện bón phân khoa học, bón theo bảng phân màu lá lúa, không bón quá nhiều. Thành viên trong Hợp tác xã đều áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là giải pháp “1 phải 5 giảm” gồm: phải dùng giống lúa được xác nhận, giảm lượng nước tưới ở mức vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (có thêm việc giảm khí thải nhà kính) cũng được các thành viên Hợp tác xã tích cực áp dụng, vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ nhận định: Với cơ sở vật chất được đầu tư, cộng với nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu năng động và sáng tạo, Khiết Tâm là 1 trong những hợp tác xã mạnh trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng như thành phố Cần Thơ. 

Bình Minh