Nhắc đến các HTX góp phần thoát nghèo cho người dân Đồng Hỷ thì không thể không nói tới cái tên HTX chè Tuyết Hương, xã Hóa Trung, đang là đơn vị điển hình trong việc cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì sản phẩm độc đáo.

HTX được thành lập năm 2012, hiện có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 150 tấn.

anh bai dong hy.jpg
Hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang góp phần giúp huyện Đồng Hỷ hình thành nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, giảm nghèo bền vững cho nông dân.

Việc coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng đang giúp các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương ngày càng vươn xa. Đến nay, HTX có 5/8 dòng sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng chú ý đến việc sáng tạo những mẫu bao bì thân thiện với môi trường có tính tái sử dụng cao. Đây không chỉ là một trong những tiêu chí xếp hạng OCOP mà cũng là xu hướng được nhiều người tiêu dùng quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường”.

HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng thành lập từ năm 2019 với 08 thành viên, tổng diện tích sản xuất, kinh doanh trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi... Tháng 9/2022, thông qua Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, HTX bò Mông số 11 đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ 100% kinh phí mua 25 con bò sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm trị giá 01 tỷ đồng.

Hiện HTX liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. Anh Lường Văn Nam, xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng chia sẻ: “Tôi thấy công việc ở đây không quá vất vả, mô hình đã mang lại hiệu quả về kinh tế cho các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn như chúng tôi…”.

Theo chị Nguyễn Thị Trang, Chủ nhiệm HTX bò Mông số 11, về hình thức hoạt động, HTX ký hợp đồng với từng hộ nghèo, cận nghèo và trả tiền lương hàng tháng tính theo ngày công, tối thiểu 01 triệu đồng/người/tháng. Cuối chu kỳ 5 năm, Quỹ Thiện tâm sẽ thu hồi lại 50% vốn hỗ trợ ban đầu. HTX tiếp tục vận hành 50% nguồn vốn còn lại nhằm hỗ trợ các hộ khó khăn tiếp theo cho đến khi địa phương không còn hộ nghèo. Người dân tham gia mô hình không cần đầu tư chi phí chăn nuôi, chuồng trại, không phải chịu trách nhiệm trả lại vốn vay mà chỉ cần tham gia lao động. HTX sẽ bố trí công việc, trả lương hàng tháng để thành viên có thu nhập ổn định. Hàng năm các thành viên còn được hưởng thêm quyết toán lợi nhuận định kỳ, đủ 03 năm lao động liên tục sẽ được xét hỗ trợ 01 con bò giống cái để làm tài sản riêng.

Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: “Văn Lăng là một xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số. Từ trước tới nay, các mô hình kinh tế tập thể ở đây chưa được phát triển một cách bài bản. Việc triển khai mô hình hỗ trợ người nghèo theo phương thức mới đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hộ nghèo ngay từ ban đầu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương”.

Hiện nay, toàn huyện Đồng Hỷ có 74 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó nhiều HTX đã có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái, HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Nguyên Việt, HTX chè Sáo Thịnh…

Để tạo điều kiện giúp các HTX hoạt động hiệu quả, huyện đã kết nối cho các HTX tham gia các hội chợ thương mại quy mô khu vực và toàn quốc để kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng số vốn hơn 6,1 tỷ đồng…

Trần Huệ và nhóm PV, BTV