Hợp tác xã Phất Cờ ở thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu chung là hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất. Các giống thủy sản nuôi chủ yếu của các thành viên Hợp tác xã là các loại cá (song, giò, rìa, hồng mỹ), hàu, ngao giá, ốc hương… 

“Hiện Hợp tác xã đã thu hút 23 thành viên tham gia với diện tích trên 20ha. Tổng tài sản của Hợp tác xã năm 2022 đạt trên 24 tỷ đồng. Mức doanh thu bình quân của các thành viên là trên 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có hộ đạt mức doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng”, ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc Hợp tác xã Phất Cờ cho biết.

anh bai 9.jpg
Hợp tác xã Phất Cờ là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thay thế giàn, bè, phao nuôi trồng thủy sản từ vật liệu xốp sang vật liệu HDPE.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chung tay bảo vệ môi trường biển, thực hiện Quyết định số 30/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản, với sự hợp tác của Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, tháng 5/2021, Hợp tác xã Phất Cờ là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thay thế giàn, bè, phao nuôi trồng thủy sản từ vật liệu xốp sang vật liệu HDPE (Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên biển).

Mặt khác, Hợp tác xã Phất Cờ cũng đã vận động thành viên hợp tác với Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp với du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

“Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5,0 ha gồm nhiều phân khu: Nhà điều hành kết hợp đón khách rộng khoảng 240 m2 với sức chứa trên 60 người; Lồng phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; Bè checkin với diện tích 16 m2. Cùng với đó là hệ thống lồng vuông (12 chiếc), hệ thống lồng tròn (2 chiếc); hệ thống giàn hàu trên diện tích 4,0 ha; hệ thống bè ương, nuôi giống rong sụn (100 ô); hệ thống sân phơi rong thương phẩm rộng trên 2.000m2. Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm”, ông Bính cho biết.

Gần đây, Hợp tác xã Phất Cờ đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi rong sụn trên vịnh Bái Tử Long, mở ra hướng đi mới trong phát triển đa dạng đối tượng, xen canh trên cùng diện tích nuôi trồng. Vùng biển đảo Phất Cờ có nhiều những yếu tố tự nhiên thuận lợi cho mô hình nuôi rong sụn như: Độ mặn nước biển từ 28 - 32‰, nhiệt độ dao động từ 27 - 35 độ C, dòng chảy, hiện tượng nhật triều và nguồn khoáng chất dồi dào... 

Theo các chuyên gia đánh giá, việc nuôi xen canh giữa hàu Thái Bình Dương và rong sụn (nuôi rong xen kẽ trong bè hàu) một mặt phá thế độc canh của con hàu, giảm sức tải của môi trường do nuôi một đối tượng hàu ở mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh và thiếu thức ăn, một mặt tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn. 

“Hiện có nhiều đối tác trong nước và nước ngoài đã đặt hàng để thu mua các sản phẩm này với giá trị cao. Theo đó, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn với sản lượng đạt 70 - 100 tấn/ha. Với mức giá trên thị trường khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg rong sụn tươi, chúng tôi có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha”, ông Bính vui vẻ kể.

Không chỉ dừng ở hoạt động kinh doanh nội địa, Hợp tác xã Phất Cờ đang phối hợp với một số cơ quan liên quan thực hiện quy trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch hàu theo quy chuẩn Nhật Bản để từng bước hoàn thiện quy trình đảm bảo điều kiện xuất khẩu, qua đó có thể gia tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV