Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thương lái khiến cho việc sản xuất của nông dân luôn trong tình trạng bấp bênh, không ổn định kinh tế và đời sống.

Sau khi được công nhận xã Phước đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, hiện nay, Phước Chỉ đang tích cực triển khai xây dựng xã NTM nâng cao. 

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2025, trong giai đoạn hiện nay, xã Phước Chỉ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững”, tăng cường hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

W-anh-man-hinh-2023-12-05-luc-202840-1.png

Đồng thời, xã tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, dự án để hỗ trợ người dân các mô hình sản xuất mới, triển khai các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao, triển khai đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị … Tiếp tục vận động các ấp thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu đưa ra.“

Bên cạnh đó, xã Phước Chỉ xác định tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những mục tiêu, định hướng quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu phân phối hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản cho người dân.

Để làm được điều này, xã Phước Chỉ tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển tăng cường xúc tiến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển của xã nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thành lập nhiều hợp tác xã, quy tụ nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp

Cùng với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, trên địa bàn xã Phước Chỉ đã thành lập nhiều hợp tác xã, quy tụ nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.

Với mong muốn tập hợp nhiều hộ nông dân trên địa bàn cùng tham gia sản xuất các loại giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho hạt lúa, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình được thành lập vào năm 2018, ban đầu, HTX có sự tham gia của 30 thành viên, với khoảng 60 ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao.

Từ khi thành lập, HTX đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định để các thành viên an tâm sản xuất. Đến nay, tổng số thành viên của HTX đã tăng lên gấp đôi với tổng diện tích đất sản xuất hơn 274 ha.

Từ năm 2019 đến nay, HTX thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lộc Trời), với tổng diện tích sản xuất mỗi vụ khoảng 100 ha các giống lúa chất lượng cao như IR 5451, OM 18… với giá bán sau thu hoạch được cam kết ngay từ đầu vụ. Ngoài ra, từ vụ Đông Xuân 2021-2022 đến nay, HTX đã ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao: ST 25, OM 18 với Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt (Công ty Lúa Vàng Việt) với tổng diện tích khoảng 174 ha. Để bảo đảm chất lượng và dễ dàng trong việc chăm sóc, quản lý dịch bệnh trên đồng ruộng, HTX vận động các thành viên xuống giống đồng loạt cùng một loại giống trên một diện tích lớn, thuận tiện trong việc thu hoạch lúa của bà con nông dân.

Cùng trên địa bàn xã Phước Chỉ, HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phước Chỉ (HTX Phước Chỉ) được thành lập từ cuối năm 2018, là nơi tập hợp của hơn 30 thành viên, với hơn 90 ha tại khu vực biên giới ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, chuyên sản xuất nếp giống (IR 4625). Ngoài ra, HTX khuyến khích các thành viên phát triển chăn nuôi với tổng đàn trên 60 con bò, nhằm tận dụng nguồn cỏ trên bờ ruộng, tránh sử dụng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng lúa, nếp của HTX.

 Ngay từ khi thành lập, HTX Phước Chỉ đã ký kết hợp đồng liên kết với các nhà máy ở Long An, theo đó, khi bắt đầu vụ sản xuất mới, các thành viên của HTX được nhà máy phân phối giống và hỗ trợ sản xuất mỗi héc-ta là 5 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, toàn bộ nếp của HTX được tập hợp về một điểm để nhà máy đến thu mua với giá bán bảo đảm bằng hoặc cao hơn giá thị trường.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nếp của HTX luôn duy trì ở mức từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư và tiền hỗ trợ từ đầu vụ, mỗi héc-ta nếp người trồng lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Bên cạnh việc giúp các thành viên yên tâm sản xuất, HTX còn đứng ra thu mua lúa, nếp khoảng 150 ha của của bà con nông dân vùng giáp ranh biên giới của các xã Phước Chỉ, Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) và một số địa phương của huyện Bến Cầu.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng xã NTM, với vai trò đầu mối, dẫn dắt nông dân của các hợp tác xã, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân xã Phước Chỉ sẽ giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM và sớm xây dựng thành công xã NTM  nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Huy Linh và nhóm PV, BTV