Là sản vật quý của địa phương, có sức đề kháng cao, thích hợp với điều kiện sinh thái của nhiều vùng chăn nuôi khác nhau, đã được đưa vào tranh Đông Hồ, nhưng lợn Móng Cái từng đối diện với nguy cơ bị mai một, lai tạp mất đi nguồn gien thuần đặc hữu. 

Năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc được thành lập tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, với 7 thành viên cùng quyết tâm khôi phục giống lợn quý. 

anh bai 25b.jpg
Mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh. Ảnh: B.M

“Hợp tác xã được thành lập với mục đích tập hợp những hội viên trên địa bàn xã Quảng Nghĩa có tâm huyết trong chăn nuôi giống lợn Móng Cái cùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất lợn theo một quy trình sạch”, bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc chia sẻ.

“Chúng tôi sử dụng giống bản địa, lợn được nuôi bán chăn thả, có sân chơi; thức ăn chủ yếu là cám gạo, thân chuối, rau, thảo mộc, bỗng rượu... Chúng tôi khoanh rất nhiều khu, mỗi khu rộng 1.000 – 2.000m, thả 1 – 2 tháng xong lại đổi khu, rắc vôi, khử trùng, trồng ngô khoai cho lợn ăn. Sáng thì thả cho lợn đi tìm thức ăn tự nhiên, sau đó thả vào vườn trồng sắn khoai rồi thả cho ăn cỏ như trâu bò. Thời gian nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng 8 tháng (lợn thường từ 3 - 4 tháng). Với ưu thế săn chắc, thơm ngon và nuôi theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, thịt lợn Móng Cái có giá bán cao gần gấp đôi so với lợn nuôi thông thường, giá bán trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi”, bà Loan cho biết thêm.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng, khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Lợn Móng Cái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Quảng Ninh.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc đang liên kết với 45 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn xã, chăn nuôi trên 1.600 con lợn thịt và lợn nái. Doanh thu của Hợp tác xã năm 2021 đạt gần 10 tỷ đồng. 

Sản phẩm thịt lợn tươi Móng Cái của Hợp tác xã đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh, được xếp hạng 4 sao; được Hội Nông dân tỉnh tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Sản phẩm đầu ra có giá trị cao, được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ thuận lợi.

Hệ thống logo, bao bì, nhãn hàng hóa được sử dụng trong thương mại các sản phẩm của Hợp tác xã đã phát huy được giá trị thương hiệu trên thị trường.

Hợp tác xã cũng đã liên kết với các cơ sở giết mổ, chế biến như giò chả, giò lụa, xúc xích… nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn. 

Đặc biệt, để chủ động được thức ăn trong chăn nuôi, thành viên trong Hợp tác xã còn tận dụng nguồn phân chuồng qua hệ thống hầm biogas xử lý nước thải dùng để nuôi bèo, tưới rau. Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng thêm các loại cây dược liệu như sachi, lá lốt để tăng thêm hương vị cho thịt lợn Móng Cái.

Thời gian gần đây, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc đang xây dựng cơ sở chế biến chuyên sâu nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm từ thịt lợn Móng Cái.

Đồng thời, Hợp tác xã còn thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp nông sản để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Được biết, để bảo tồn giống lợn đặc sản địa phương, thành phố Móng Cái đang tập trung xây dựng chuỗi lợn ỉ Móng Cái từ khâu chế biến tới tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, thành phố Móng Cái cho biết, Thành phố đang tích cực áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ thông qua các chuỗi sản xuất – chế biến đối với các hộ nuôi lợn Móng Cái, gồm có: Hỗ trợ một phần về công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ của người tham gia chuỗi; Hỗ trợ vật tư, con giống, thiết bị để thực hiện việc sản xuất, chế biến; Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, số hóa các sản phẩm, hỗ trợ nâng cao giá trị con lợn Móng Cái. 

“Thành phố phấn đấu đến năm 2030 mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm để phấn đấu đưa sản phẩm thịt lợn Móng Cái đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia”, bà Hải nhấn mạnh.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể như Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Lộc.

Bình Minh