anh tin.jpg
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: B.M

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: Hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ khi hợp tác xã phát triển bền vững thì mới giúp ngành nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi đó, thu nhập của nông dân sẽ tăng lên nhiều lần nhờ dựa vào lợi thế quy mô và phương thức mua chung – bán chung.

Nghị quyết số 106/NQ-CP do Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã đặt mục tiêu đến năm 2025: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”; “Phấn đấu đến năm 2025, số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước”.

Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, nhất là trong bối cảnh mới, yêu cầu hợp tác xã nông nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Mặt khác, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là “Cam kết tham gia sáng kiến, giải phát thải khí methan toàn cầu” và “Cam kết thực hiện tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Điều này đồng nghĩa cần phải đẩy mạnh hơn và nhanh hơn quá trình phát triển nông nghiệp bền vững. Song thực tế, để phát triển nông nghiệp bền vững, không thể chỉ làm từng khâu như trồng trọt, chế biến hay phân phối, mà cần phát triển bền vững cả chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Khi đó, không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã chia sẻ thông tin về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng sản xuất xanh và phát triển bền vững; những kinh nghiệm thực tế để hợp tác xã vững tin trên con đường sản xuất xanh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Nhiều giải pháp cụ thể được khuyến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực kinh tế hợp tác.