- Với sản lượng 9.000 tấn/năm, các vựa rau được cho là sạch, an toàn ở Đà Nẵng chỉ cung cấp xấp xỉ 6% nhu cầu của thành phố. Số còn lại từ các nơi khác chuyển đến và chưa được kiểm soát chất lượng.

Rau sạch bán hết ngay tại vườn

Theo khảo sát của VietNamNet, Đà Nẵng đã đầu tư 5 vùng chuyên canh rau, quy mô 90ha nhằm cung cấp rau an toàn cho thành phố. Trong số đó, có 3 vùng rau được chứng nhận VietGAP là: La Hường, Tuý Loan Tây và Yến Nê với diện tích sản xuất 14 ha.

Ghi nhận tại HTX trồng rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ), hộ dân tại đây chủ yếu trồng các loại rau cải, khoai lang, rau muống... Rau củ ra khỏi vườn được đưa đến các khu công nghiệp, nhà máy và một số ít đến chợ đầu mối.

{keywords}

Nông dân Đà Nẵng trồng rau theo đề án sản xuất rau an toàn của thành phố.

Ông Ngô Văn Cước (65 tuổi, phường Khuê Trung, Cẩm Lệ) cho biết, quy trình trồng rau ở đây được kiểm soát nghiêm ngặt bởi Sở NN&PTNT. Tại đây, người dân nhận giống, một số loại thuốc do cán bộ Bảo vệ thực vật cấp phát. Thời điểm xuất bán, xe tải từ các siêu thị, nhà máy đến tận vườn để thu mua rau.

Ông Phan Ngọc Phu (SN 1960, HTX La Hường) cho hay trước thời điểm vào hợp tác xã, ông đã trồng rau... không an toàn. Cụ thể theo ông Phu, thuốc kích thích tăng, trưởng, trừ sâu được sử dụng vô tội vạ.

“Hiện tại, các hộ dân ở HTX đều phải cam kết không sử dụng phân tươi gia súc, gia cầm, không phun thuốc diệt cỏ. Mỗi tuần đều có cán bộ bảo vệ thực vật trực tiếp tại ruộng lấy mẫu kiểm tra. Người dân được hướng dẫn quy trình trồng rau, thời điểm sử dụng các loại thuốc và thu hoạch”, ông Phu cho biết.

Số liệu từ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, sản lượng rau củ quả sản xuất tại chỗ năm 2015 chỉ xấp xỉ 9.000 tấn. Con số quá nhỏ nếu biết nhu cầu sử dụng của chừng 1 triệu dân cư Đà Nẵng trong năm 2015 lên tới 140.000 tấn. Đa số rau quả tiêu thụ trên địa bàn vẫn từ các nơi chuyển về, trong đó có hàng ngàn tấn nhập từ Trung Quốc.

Hàng trăm ngàn tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, thành phố đã triển khai dự án trồng rau sạch ở vùng ven từ vài năm nay. Việc kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm ở đây được làm nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay, lượng rau sản xuất ra không đủ tiêu thụ khiến Đà Nẵng hàng năm phải nhập hàng trăm ngàn tấn rau quả từ khắp nơi.

{keywords}

Hơn 90% rau củ quả cho thị trường Đà Nẵng được chuyển về từ các nơi trong và ngoài nước. Đà Nẵng chưa thể kiểm soát ATTP, nguồn gốc số lượng này.

Cụ thể, năm 2015, có 131.000 tấn rau quả từ các nơi đổ về Đà Nẵng, trong đó có 56.000 tấn rau và 76.000 tấn quả. Nguồn trong nước, có 6 tỉnh cung cấp 96,4% nhu cầu tiêu thụ rau quả ở Đà Nẵng. Đặc biệt, năm 2015, địa phương này nhập hơn 2.200 tấn rau quả từ Trung Quốc (chiếm 3,6%).

Điều đáng nói, hiện kiểm soát ATTP đối với nguồn gốc xuất xứ hàng trăm nghìn tấn rau, quả từ các nơi đổ về Đà Nẵng chưa thể thực hiện. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng giải thích do sản xuất nhỏ lẻ, hệ thống phân phối qua quá nhiều khâu trung gian; các đại lý buôn bán cũng nhập hàng từ nhiều cơ sở thu gom nên khó xác định nguồn gốc thực phẩm.

Năm 2015, có 92 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Đà Nẵng bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm. Riêng chợ đầu mối Hòa Cường lớn nhất Đà Nẵng có 8 mẫu rau quả bị phát hiện nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Mới đây nhất, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Đà Nẵng đã phát hiện 7/9 mẫu măng tươi có tồn dư chất cấm Auramine O (còn gọi chất vàng ô), là chất có khả năng gây ung thư cao.

Theo nguồn tin của VietNamNet, TP. Đà Nẵng đang có đề án xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2020 kiểm soát ATTP được 50% rau củ quả, thịt, trứng, thủy sản tươi sống đưa về tiêu thụ trên địa bàn.

Cao Thái