Nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch, chỉ huy điều hành và phối hợp giữa phòng phối hợp cứu nạn và các tàu SAR, xuồng cứu nạn trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, vừa qua Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I (Trung tâm khu vực I) thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam- Bộ GTVT) tổ chức hợp luyện tìm kiếm, cứu nạn nội bộ năm 2023.
Buổi hợp luyện diễn ra tại vùng biển Vịnh Cát Bà, Hải Phòng với sự tham gia lãnh đạo viên chức, thuyền viên tàu SAR 411, SAR 27-01 của Trung tâm khu vực I.
Kịch bản giả định: hồi 9h30, ngày 17/10, Trung tâm khu vực I nhận được thông tin từ Đài thông tin duyên hải Hải Phòng, báo tàu cá HP 90432 TS, do ngư dân Nguyễn Văn Tuất làm thuyền trưởng, đang hành trình về đảo Cát Bà, Hải Phòng thì buồng máy bị chập điện, gây cháy tại tọa độ (20042.00’ N; 107000.00’ E).
Trên tàu có 5 thuyền viên, sau khi gặp sự cố, 3 thuyền viên hoảng loạn, mặc áo phao nhảy xuống biển; 2 thuyền viên ở lại trên tàu cố gắng dập cháy, thuyền trưởng yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I đã điều tàu SAR 411, SAR 27-01 hợp luyện công tác chỉ huy hiện trường, điều phối lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu vớt các nạn nhân bị trôi dạt, sơ cấp cứu y tế cho các nạn nhân bị thương, tổ chức đội y tế, đội cứu nạn, xử lý tình huống, cứu hoả, chống cháy nổ, cứu hộ người và phương tiện gặp nạn, khoanh vùng hiện trường đảm bảo công tác phòng chống tràn dầu, ô nhiễm biển.
Có mặt tại buổi diễn tập, ông Lưu Đức Tùng, Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đánh giá cao việc xây dựng kịch bản tìm kiếm, cứu nạn chi tiết, sát với thực tế xảy ra, chỉ đạo chặt chẽ trong công tác đảm bảo an toàn cho các lực lượng, phương tiện tham gia hợp luyện.
Ông Lưu Đức Tùng cũng nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của buổi hợp luyện tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời cho rằng công việc hợp luyện tìm kiếm cứu nạn cần tổ chức thường xuyên để vận hành hiệu quả cơ chế hoạt động chỉ đạo, chỉ huy. Đặc biệt là khả năng sẵn sàng ứng phó, phối hợp chỉ đạo giữa lãnh đạo, phòng phối hợp cứu nạn và tàu SAR trong xử lý các tình huống cứu nạn xảy ra trên vùng biển Việt Nam.
Qua buổi hợp luyện toàn thể viên chức, thuyền viên đã nâng cao năng lực lập kế hoạch, chỉ huy điều hành và phối hợp giữa phòng phối hợp cứu nạn, các tàu SAR, xuồng cứu nạn trong công tác tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường, thực hành các kỹ thuật tìm kiếm, cứu nạn với đối tượng bị nạn trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, thực hành công tác hỗ trợ dập tắt đám cháy trên tàu bị nạn, đưa bác sĩ, đội hỗ trợ cứu nạn tiếp cận lên tàu bị nạn chăm sóc y tế, kiểm tra tình trạng an toàn tàu bị nạn.
Sau buổi hợp luyện, ban chỉ đạo hợp luyện đã tiến hành họp rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương một số cá nhân, bộ phận đã nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức hợp luyện.
Theo số liệu thống kê nhiều năm, trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam. Mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9, và 10 hình thành từ Biển Đông di chuyển và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhất là các tỉnh ven biển.
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 5/8, trên cả nước xảy ra: 1.753 sự cố, thiên tai (1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão; 27 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; 151 trận động đất và 321 vụ sạt lở bờ sông) làm chết 267 người; mất tích 78 người; bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện…
Theo đó, toàn quốc huy động 53.490 lượt người và 3.633 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục với 1.753 vụ, cứu được 1.595 người và 178 phương tiện, hướng dẫn và di dời 747 hộ dân với 3.011 người tới nơi an toàn, thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện và 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.