Báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, trong hai năm 2021, 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đâm va liên quan đến phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB. 

Điển hình là tại Quảng Nam, tàu Phương Đông 05 tự gây tai nạn làm chết 17 người, phương tiện hỏng nặng; tàu Thịnh Long 68 va chạm và làm chìm tàu cá QNg-91426TS, làm chết 3 người. Tại Hải Phòng, tàu Hồng Vân 89 va chạm và làm chìm tàu Mạnh Đạt 01 biển Cửa Cái, làm một người chết; tại Ninh Thuận, tàu Hải Đạt 36 va chạm và làm chìm tàu Phúc Tình 26, thiệt hại 3.260 tấn tôn cuộn cán thép…

Từ thực trạng này và trong quá trình phối hợp kiểm tra, khảo sát của các lực lượng liên ngành trong năm 2022 đối với hoạt động của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB đã nổi lên các bất cập cần được khắc phục. 

W-tap-huan-1-1.jpg
Một buổi tập huấn về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy nội địa còn hạn chế, từ phương tiện công vụ, trang thiết bị liên lạc, công cụ, thiết bị quản lý như VHF, AIS, thiết bị quan trắc khí tượng, thủy văn, phần mềm quản lý chuyên môn…

Đặc biệt, sự hiểu biết về sử dụng trang thiết bị vô tuyến điện trên tàu như AIS, Radar... của người quản lý, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên còn rất hạn chế.

Nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại này, ngay từ năm 2022, Cục Đường thủy nội địa đã xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công ước SAR79 (Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979).

Thực hiện Kế hoạch số 1045/QĐ-CĐTNĐ ngày 13/7/2022 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, Cục Đường thuỷ nội địa đã tổ chức tập huấn tại 2 Thành phố: Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị có đại diện Vụ An toàn giao thông, Vụ Quản lý hạ tầng, Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ GTVT; Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng Kiểm Việt Nam; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Cao đằng Hàng Hải II; Báo GTVT, Website Bộ GTVT, ….

Ngoài ra, hội nghị cũng thu hút gần 400 học viên là các đơn vị quản lý nhà nước của 28 tỉnh ven biển: các sở GTVT các tỉnh ven biển, các Cảng Vụ ĐTNĐ khu vực I, II, III, III, các Chi cục ĐTNĐ khu vực I, III, các Cảng Vụ ĐTNĐ địa phương, …;các doanh nghiệp: doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng - bến, các thuyền viên và tổ chức cá nhân có liên quan khác.

Tại hội nghị, các học viên được giảng viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trực tiếp biên soạn tài liệu và giảng dạy rất nhiều nội dung. Cụ thể, các học viên được tập huấn hướng dẫn thông tin liên lạc; Kỹ năng phòng tránh và duy trì sống sót trên biển - vùng nội thủy; Công tác điều khiển tàu để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nguy hiểm trên biển - vùng nội thủy; Tránh va cho tàu mang cấp VR-SB trên vùng nội thủy; Quản lý rủi ro cho tàu mang cấp VR-SB;  Thủ tục tàu mang cấp VR-SB ra, vào cảng;  Các thiết bị an toàn cần thiết trên tàu mang cấp VR-SB.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đã trao tặng bộ tài liệu về an toàn, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thuỷ nội địa, nhất là đối với phương tiện mang cấp VR-SB cho tổ chức, cá nhân liên quan.

Kết thúc hội nghị, hầu hết Sở GTVT các tỉnh thành, doanh nghiệp tham dự đều mong muốn Cục Đường thuỷ nội địa duy trì công tác tập huấn SAR-79 hàng năm, nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các địa phương, cũng như công tác bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp vận tải, các chủ tàu và thuyền viên để khắc phục dần các hạn chế hiện nay.

Đối với tài liệu, các đại biểu cũng kiến nghị Cục cần tiến hành khảo sát theo vùng miền để xây dựng giúp địa phương tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền cho sát thực tế hơn; Xây dựng Video clip hướng dẫn sử dụng trang, thiết bị an toàn trên tàu mang cấp VR-SB sẽ giúp ích cho thuyền viên nhiều hơn là tài liệu giấy; Bổ sung, chi tiết hơn nội dung, kiến thức quản lý nhà nước tại cảng, bến; đặc biệt là kỹ năng kiểm tra, kiểm soát an toàn của phương tiện.

Sau kiến nghị này, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết sẽ tiến hành tiến hành khảo sát theo vùng miền để xây dựng tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền cho sát thực tế hơn; Cục cũng sẽ giao các đơn vị chuyên môn xây dựng Video clip hướng dẫn sử dụng trang, thiết bị an toàn trên tàu mang cấp VR-SB sẽ giúp ích cho thuyền viên nhiều hơn là tài liệu giấy; Bổ sung, chi tiết hơn nội dung, kiến thức quản lý nhà nước tại cảng, bến; đặc biệt là kỹ năng kiểm tra, kiểm soát an toàn của phương tiện.

N. Huyền