Hãng tin RT của Nga mới đây đã tiết lộ về thương vụ mua quyền sở hữu trí tuệ của các hệ thống nhận dạng khuôn mặt được thiết kế và phát triển, sản xuất bảo mật công nghệ cao của Nga - Vokord.
Huawei sẽ mua lại công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt của Nga. |
Theo trang Vedomosti, một số nhân viên của Vokord sẽ được chuyển sang Huawei theo thỏa thuận trị giá 50 triệu USD.
Công ty con của Huawei của Huawei, cùng với Huawei Digital Technologies có trụ sở tại Hồng Kông, sẽ trở thành chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với các bằng sáng chế của Vokord về công nghệ và thiết bị nhận dạng khuôn mặt.
Công ty mới thành lập dựa trên sự hợp tác sẽ mang tên Igl Softlab. Đơn vị Nga của doanh nghiệp dự kiến sẽ sở hữu 99,9% cổ phần của công ty mới thành lập.
Vokord thành lập năm 1999, thiết kế các giải pháp phần mềm và lập trình dựa trên tầm nhìn máy tính và thuật toán xử lý video thông minh. Công ty tập trung vào nhận dạng khuôn mặt, Nhận dạng biển số tự động (ALPR), phân tích video và nhận dạng mẫu, xử lý video và cải tiến video.
Tính đến năm 2017, doanh thu của công ty đạt 113,2 triệu rúp (1,75 triệu USD).
Thương vụ mới nhất giữa Huawei và nhà sản xuất bảo mật Nga nổi lên giữa lúc Huawei đang bị các đối tác Mỹ và đồng minh Mỹ quay lưng.
Không chỉ vậy, các công ty con là "chân tay" của Huawei cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, cản trở kế hoạch phát triển sản phẩm mới không phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài.
Mới đây, Wall Street Journal cho biết, công ty con cung cấp bộ phận bán dẫn của Huawei là HiSilicon có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh mẽ do lệnh cấm của Mỹ.
Wall Street Journal cho biết, phần mềm mà HiSilicon sử dụng để thiết kế chip được mua từ hai công ty Mỹ là Synopsys Inc. và Cadence Design Systems Inc. Điều này có nghĩa việc thiết kế chip của HiSilicon cũng sẽ gặp khó một khi các công ty phần mềm Mỹ này ngừng hợp tác.
Kế hoạch cung cấp chip HiSilicon cho Huawei do đó cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể khiến Huawei không có nổi một sản phẩm "của nhà trồng được".
Trước đó, Huawei cũng phải chấp nhận bán đi quá bán số cổ phần của mình trong Công ty mạng cáp quang biển Huawei - Huawei Marine Systems.
Người mua lại cổ phần của Huawei là Hengtong Optic-Electric - một công ty có trụ sở ở Giang Tô, Trung Quốc. Hengtong sẽ trả cho Huawei bằng tiền mặt và cổ phiếu, nhưng mức giá cụ thể của thương vụ không được công bố.
Cáp quang biển là động mạch của mạng lưới Internet toàn cầu và Huawei đã dần giành thị phần vốn thống trị bởi các công ty Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Huawei Marine Systems được thành lập năm 2008 như một công ty liên doanh với Công ty Global Marine của Anh.
Global Marine của Anh nắm giữ 49% cổ phần của công ty này. Trong năm 2018, Huawei Marine Systems đóng góp cho tập đoàn Huawei doanh thu 394 triệu Nhân dân tệ (khoảng 57 triệu USD) với lợi nhuận ròng 115 triệu Nhân dân tệ (16 triệu USD).
Kế hoạch bán tài sản của các công ty con đã khiến nhiều người cho rằng Huawei đang buộc phải xoay vần với các sức ép từ lệnh cấm của Mỹ. Ngược lại, luồng ý kiến khác cho rằng, đây là cách gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhường thị phần cho các công ty "họ hàng" để né đòn trừng phạt Mỹ.
Cũng cần chú ý, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng tới các công ty mang rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ, lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ cụ thể hóa các rủi ro nói trên đến từ Huawei và ZTE.
Danh sách cấm của Bộ Thương mại Mỹ sẽ còn kéo dài một khi Huawei muốn tìm cách chuyển nhượng những sở hữu của mình để né trừng phạt.
(Theo Báo Đất Việt)