Trong sự kiện ra mắt Huawei P30 Pro tại Việt Nam hôm 2/4, đại diện Huawei tắt hết đèn và dùng chiếc máy để chụp một chậu cây nhỏ trên bàn. Ảnh chụp từ P30 Pro cho thấy chậu cây sáng rõ, trong khi ảnh chụp từ máy của hãng khác không ra hình dáng rõ ràng. Cả khán phòng đã vỗ tay.
Một khách hàng trải nghiệm Huawei P30 Pro khi máy ra mắt tại Việt Nam - Ảnh: Hải Đăng |
Trước đó, khi hướng chiếc máy đến cuối phòng và dùng chức năng chụp zoom 10x, ảnh từ P30 Pro cho thấy hình ảnh khá rõ nét trong ánh sáng yếu, điều đối thủ khác làm không tốt bằng.
Đại diện Huawei hôm đó cũng khoe ảnh chụp… mặt trăng từ chiếc P30 Pro, minh hoạ cho tính năng zoom lên đến 50x. P30 Pro là chiếc smartphone hiếm hoi hiện nay có zoom vật lý 5x, zoom kỹ thuật số lên đến 50x.
Hầu hết những người được cầm P30 Pro trên thế giới và cả Việt Nam đều dành lời khen cho chiếc máy, ít nhất về khả năng chụp ảnh của nó.
Trước đó, nhiều người đã trầm trồ về khả năng chụp ảnh của Mate 20 Pro, và trước nữa là từ P20 Pro.
Tất nhiên, xa xôi hơn nữa phải là chiếc P9, smartphone đầu tiên Huawei hợp tác với Leica để gắn nhãn này lên ống kính smartphone. Chiếc P9 thời điểm đó đã cho ảnh chụp trắng đen rất chất lượng.
Từ danh tiếng của dòng P, Huawei từ một hãng smartphone Trung Quốc bắt đầu được nhắc đến nhiều trên thế giới, và dĩ nhiên trong đó có Việt Nam một năm trở lại đây.
Tuy vậy, Huawei mới gây chú ý một hai năm trở lại đây. Trước đó hãng khá im ắng.
“Doanh số smartphone Huawei tại Việt Nam năm 2018 tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017”, ông Arron Liu - Giám đốc Tiếp thị Nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Việt Nam - nói với ICTnews.
“Việt Nam là một trong hai thị trường lớn nhất của Huawei tại khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông Arron tiết lộ. Huawei xác định Đông Nam Á là thị trường trọng điểm, do đó hãng tập trung nguồn lực, từ con người đến tài chính vào thị trường này, trong đó Việt Nam là thị trường rất quan trọng.
Cuối năm 2017, Huawei Việt Nam thay CEO mới. Cùng thời điểm đó Nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei (Huawei CBG) Việt Nam, bộ phận phụ trách kinh doanh smartphone và thiết bị tiêu dùng, cũng thay CEO.
Ông Henry Liu, tân CEO Huawei CBG Việt Nam khi đó đặt mục tiêu vào vị trí top 2 thị trường smartphone vào năm 2020 khiến nhiều người bất ngờ, cho rằng việc đó gần như bất khả. Cho đến giai đoạn hiện tại, mục tiêu đó vẫn cực kỳ khó khăn dù Huawei đã thực sự gây chú ý với giới công nghệ và cả người dùng.
Dễ thấy kể từ khi thay CEO mới tại Việt Nam, Huawei CBG đã có nhiều hoạt động rất đáng chú ý. Đầu tiên, hãng tung ra chiếc Nova 2i với thiết kế đẹp, cấu hình tốt và bán với giá dưới giá thị trường, thực sự đã gây chú ý.
Bảng quảng cáo Nova 2i tại một siêu thị bán lẻ hang công nghệ - Ảnh: Hải Đăng |
Liền sau đó, hãng có Nova 3i, Nova 3e đánh ở phân khúc tầm trung. Ở phân khúc tầm cao, Huawei P20/P20 Pro, Mate 20/Mate 20 Pro cũng gây chú ý mạnh với người am hiểu khi có chất lượng bên ngoài và camera rất tốt. Hai chiếc P30/P30 Pro mới đây cũng nhận được khen ngợi về chất lượng camera.
Điểm khác biệt lớn nhất của Huawei so với các hãng smartphone Trung Quốc khác tại Việt Nam gần đây là tung ra đều đặn smartphone ở tầm cao và thực sự mong bán máy hơn là làm thương hiệu. Các máy cao cấp của hãng này được bán ở tất cả các kênh phân phối lớn tại Việt Nam, chứ không chỉ bán tại một vài nơi.
Tất nhiên, rất khó để điện thoại cao cấp của Huawei cạnh tranh với Samsung hay Apple tại Việt Nam, nên đây chính là lý do các hãng khác không mặn mà hoặc chưa muốn nhảy lên phân khúc thực sự cao cấp - từ khoảng 20 triệu đồng trở lên.
Tuy vậy, rõ ràng hãng điện thoại số 1 Trung Quốc và trong top 3 toàn cầu muốn cạnh tranh sòng phẳng với Samsung và Apple tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ở phân khúc cao cấp.
Chính việc quyết liệt tung dòng smartphone cao cấp tại Việt Nam và bỏ nhiều tiền quảng bá để bán được máy đã làm Huawei khác biệt so với các hãng khác, và xét về sản phẩm thì có thể cạnh tranh với Samsung và Apple tại thị trường này.
Trong bối cảnh Apple phải liên tục hạ giá iPhone tại Việt Nam để tiếp cận phần đông người dùng, Huawei có thể tận dụng ưu thế giá rẻ hơn và có nhiều cải tiến sáng tạo để giành khách.
“Thị trường smartphone Việt Nam thực sự thuận lợi để phát triển khi có hệ thống bán lẻ phủ rộng cả nước. Như Thế Giới Di Động, xét về số lượng, nằm trong số nhà bán lẻ hàng đầu châu Á Thái Bình Dương. Việc này cũng dễ cho Huawei phát triển”, ông Arron nói.
Dù có sản phẩm chất lượng tốt nhưng Huawei vẫn ít khi công bố thị phần của họ tại Việt Nam có lẽ do con số còn ít ỏi.
Trao đổi với ICTnews, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động - cho biết thị phần Huawei ở chuỗi này vào khoảng 5%, đứng thứ tư sau Samsung, Oppo, Apple.
Samsung vẫn là tên tuổi rất lớn ở Việt Nam khi chiếm trên 40% thị phần. Oppo cũng vững chãi với hơn 20% miếng bánh smartphone Việt Nam, do đó “cửa” để Huawei lách vào top 2 trong năm tới gần như bất khả. Điều tốt nhất Huawei có thể làm được trong hai năm nữa có lẽ là vượt qua Apple.
Tuy vậy, ở phân khúc cao cấp, Huawei vẫn thua kém Samsung và Apple ở danh tiếng. Cả hai hãng đang là các lựa chọn đầu tiên của đa số người dùng khi mua smartphone đắt tiền, vì vậy Huawei phải tốn thời gian xây dựng thương hiệu cho mình ở nhóm khách hàng chịu chi nhưng khó tính. Đó là chưa kể xuất phát điểm Trung Quốc khiến Huawei gặp nhiều định kiến. Dù vậy, hãng đã làm được nhiều điều khi lọt vào top 3 các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Tóm lại, xét về sản phẩm, Huawei đang có chiến lược khá rõ ràng khi nhắm vào phân khúc cao cấp, cạnh tranh được với Samsung và Apple tại Việt Nam. Nhưng để người dùng chấp nhận mua máy, và để lọt vào top 3, chưa nói top 2 ở thị trường này thì Huawei cần thời gian và nhiều thứ khác nữa.