Năm 2021, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ) quyết tâm tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Giai đoạn 2021 - 2023, xã huy động trên 345,8 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó Nhân dân đóng góp 289,2 tỷ đồng, hiến 830m2 đất ở, trên 3.000 m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, cùng hàng nghìn ngày công lao động. 

Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn trong xã được trải bê tông, áp phan; 50% đường trục chính nội đồng được trải bê tông; cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư, nâng cấp khang trang; 5/5 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa, 3/5 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 100% các thôn có nhà văn hóa; 95% số gia đình đạt gia đình văn hóa. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 76,9 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,79%. Với những kết quả trong xây dựng nông thôn mới, xã Hưng Đạo đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Không riêng gì xã Hưng Đạo, những năm qua, với sự chung tay của Nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương ở Hưng Yên được triển khai thực hiện thuận lợi, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

W-NTM hưng yên.jpg
Mỗi công trình, mỗi phần việc ở các địa phương đều có công sức đóng góp của người dân, nhờ đó đã tạo nên diện mạo vùng nông thôn mới.

Từ năm 2011 - 2019, toàn tỉnh Hưng Yên đã huy động gần 64.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, Nhân dân đóng góp như hiến đất, ủng hộ ngày công, tiền mặt, xây dựng chỉnh trang nhà cửa…. trị giá trên 42.000 tỷ đồng.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn vẫn được Nhân dân các địa phương tích cực tham gia. Theo đó, nhiều hộ dân đã sẵn sàng hiến đất xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường làng, ngõ xóm... Như xã Hiệp Cường (huyện Kim Động), từ năm 2023 đến nay, xã đã vận động Nhân dân hiến trên 7.000m2 đất làm đường giao thông.

Không chỉ hiến đất mở đường, nhân dân còn góp công, góp sức, đóng góp tiền của, ủng hộ kinh phí để xây dựng nông thôn mới. 

Tại huyện Phù Cừ, từ năm 2020 đến nay, Nhân dân đã tự nguyện hiến trên 52.000m2 đất ở, 35ha đất ruộng, phá dỡ trên 1.500m tường bao, công trình phụ và tham gia trên 1.700 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn cũng như xây dựng các công trình công cộng; đặc biệt huyện đã huy động người dân đóng góp trên 395 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Với sự chung tay của Nhân dân đã góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Còn ở huyện Khoái Châu, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện đạt trên 260 tỷ đồng, trong đó, vốn từ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng là 20 tỷ đồng, chiếm 7,66% tổng nguồn vốn huy động. Từ nguồn vốn huy động, các xã đã tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chỉnh trang cảnh quan môi trường… Đến nay, huyện Khoái Châu có 15/24 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 

Như xã Tân Dân (huyện Khoái Châu) là một trong các xã đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được công nhận nông thôn mới từ năm 2016. Để triển khai xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tân Dân nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhiều chỉ tiêu, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu mà nghị quyết đề ra là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. 

Theo đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, từ đó huy động sự tham gia của Nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Tân Dân Đỗ Xuân Huấn, cho biết, từ năm 2011 đến nay, Nhân dân trong xã đóng góp hơn 100 tỷ đồng; hiến hơn 5.000m2 đất ở và đất nông nghiệp; góp hơn 25.000 ngày công tham gia xây dựng các công trình. Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo tỉnh Hưng Yên, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được gần 20.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, trong đó Nhân dân đóng góp gần 3.000 tỷ đồng. 

Tại các địa phương, mỗi công trình, mỗi phần việc đều có công sức, đóng góp của người dân. Hằng năm, việc tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt hơn 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình; không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.

Với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2020, tỉnh Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống của người dân được nâng cao. 

Nghị quyết số 412/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh Hưng Yên về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... 

Năm 2024, tỉnh phấn đấu có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến đầu tháng 12/2024, toàn tỉnh có 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng vao và 36 xã đạt chuẩn nông thô mới kiểu mẫu.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh phát huy vai trò của người dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.