Năm 2020, Hưng Yên là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. 

Ngay sau đó, toàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 - 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới không chỉ tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn. 

anh chup man hinh 2023 12 07 luc 113047.png
Các địa phương của Hưng Yên đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới.

Triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bên cạnh thực hiện tốt các quy định của Trung ương, tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tiêu biểu như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 233/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 quy định chính sách hỗ trợ các địa phương về đích sớm, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2279/KH-UBND ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.

Đây được coi là điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh Hưng Yên. Nhờ việc ban hành các cơ chế mở đã tạo điều kiện cho các xã tối đa hóa các nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và thống nhất nhận thức “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”. 

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền xây dựng mô hình “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Khu dân cư 3 không”, "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"… 

Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vận động các tầng lớp nhân dân hiến kế, hiến công, hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.

Các nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của người dân, do vậy khi triển khai đã nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân và trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Ở giai đoạn trước, các địa phương chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì giai đoạn này chuyển sang thực hiện những nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân như: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Chương trình OCOP; triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hưng Yên đã đạt gần 65 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,93%; giá trị thu được trên một ha canh tác đạt 230 triệu đồng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi trong cộng đồng dân cư.

Đến hết tháng 11/2023, tỉnh Hưng Yên đã có 93 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 155% kế hoạch đặt ra tới năm 2025; có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 73% kế hoạch đặt ra tới năm 2025. 

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đảm bảo kết nối chặt chẽ thành thị với nông thôn đồng bộ, hiện đại. Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ sở trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh. 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Phát huy mọi nguồn lực xã hội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh.

Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình.

Thanh Minh

Đức Yên và nhóm PV, BTV