Sau 23 năm tái lập (1997 - 2020), từ tỉnh nghèo, thuần nông và độc canh cây lúa, Hưng Yên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp.

Xét riêng trên lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện rõ nét ở số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm hằng năm. Cụ thể: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 4,65%, tương ứng với 16.661 hộ; hộ cận nghèo là 3,44%, tương ứng với 12.348 hộ. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo là 3,41%, tương ứng với 12.639 hộ; hộ cận nghèo là 3,12% tương ứng với 11.579 hộ. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 2,55%, tương ứng với 9.953 hộ; hộ cận nghèo là 2,76% tương ứng với 10.766 hộ. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,90%, tương ứng với 7.575 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,31%, tương ứng với 9.180 hộ. Tỉnh phấn đấu năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,8%

Người nghèo, người cận nghèo đã được đáp ứng các nhu cầu xã hội cơ bản, như: nhà ở, thông tin, nước sạch, giáo dục, y tế…, đời sống được cải thiện. 100% các xã, phường, thị trấn được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu như đường nhựa, đường bê tông hóa, trường học, trạm y tế, nước sạch, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở nông thôn đạt 77%, ở thành thị đạt 75,6%.

{keywords}
Từ tỉnh nghèo, thuần nông và độc canh cây lúa, Hưng Yên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước

Vai trò quan trọng của truyền thông

Có được kết quả trên không thể không kể đến việc tỉnh đã phát huy vai trò của truyền thông trong việc tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo và sự chung tay của cộng đồng xã hội; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Truyền thông về giảm nghèo bền vững luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh Hưng Yên quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tổ chức dạy nghề, tham quan, hội thảo, hội nghị đầu bờ; xây dựng các mô hình trình diễn, ủy thác và tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư nông nghiệp theo phương thức chậm trả với lãi suất ưu đãi, v.v...

Hội Phụ nữ song song với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền là tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho hội viên.

Các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích thanh niên lao động sản xuất, hỗ trợ thông tin cho thanh niên khởi nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả; hỗ trợ nguồn vốn vay để thành lập mô hình kinh tế gia đình, hợp tác xã.

Hội Cựu chiến binh tỉnh động viên cán bộ, hội viên tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện xóa nghèo; phát huy tinh thần tự lực, tự cường,…

Với phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh Hưng Yên và các hội, đoàn thể đã xây dựng được mạng lưới gần 3.000 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 100% số thôn, tổ dân phố ở tỉnh Hưng Yên để tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm – vay vốn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề lĩnh vực sản xuất kinh doanh…

Cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh sản xuất, xuất bản, phát sóng, phát thanh và các sản phẩm thông tin phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình về công tác giảm nghèo bền vững. Đài truyền thanh cơ sở thường xuyên tiếp sóng các chương trình có nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo; trực tiếp sản xuất các tin, bài tuyên truyền về công tác giảm nghèo, tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo...

Nhờ đó, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, công tác tuyên truyền đã góp phần phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thi đua yêu nước trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo.

Phan Thân
Ảnh: Văn Lệ