Hối hận vì để con tự chọn tổ hợp
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 được triển khai học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (Chương trình 2018), sách giáo khoa (SGK) mới.
Ngay từ đầu năm học con nói muốn chọn các môn xã hội cho 'nhẹ đầu, đỡ phải tính toán nhiều', tôi đã định hướng con nên chuyển môn tự nhiên vì thấy con tính toán cũng nhanh nhẹn.
Hơn ai hết, tôi biết các môn xã hội không phải thế mạnh của con, và con cũng không phải đứa trẻ chăm chỉ để theo đuổi những môn 'học thuộc'. Nhưng con nhất quyết không đồng ý. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định tôn trọng ý kiến của con.
Học được gần 2 tháng tôi mới phát hiện lý do con chọn môn xã hội là chọn theo cô bạn thân chứ bản thân con tôi cũng không đam mê gì các môn đó.
Cuối học kỳ vừa rồi vợ chồng tôi 'bị choáng' với kết quả học tập cuối kỳ I của con. Điểm các môn tự chọn như Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật rơi vào tình trạng '3 môn 10 điểm'. Việc bị xếp trong danh sách 'đội sổ' khiến con càng chán nản và muốn đổi sang môn tự chọn khác.
Tôi được biết có nhiều học sinh khác trong lớp của con cũng có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn vì các con nhận ra đã chọn sai và năng lực không đáp ứng.
Cá nhân tôi thật sự hối hận vì để con tự chọn tổ hợp theo ý mình, dù tôi có làm nhiệm vụ tư vấn, định hướng.
Thế nhưng khi gia đình trình bày, đề đạt nguyện vọng, tôi nhận thấy chính ban giám hiệu nhà trường nơi con tôi đang theo học cũng rất lúng túng.
Mong Bộ Giáo dục có hướng dẫn cụ thể hơn
Gia đình tôi vô cùng mừng rỡ khi cách đây 2 ngày, Bộ GD-ĐT có công văn số 68 về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT.
Tìm mỏi mắt trong công văn hướng dẫn chỉ thấy có câu: 'Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT'.
Băn khoăn như thế nào được gọi là trường hợp đặc biệt để được đổi tổ hợp chọn môn, tôi hỏi nhưng ban giám hiệu nhà trường cũng không trả lời được.
Như vậy, nếu hướng dẫn như công văn 68 của Bộ GD-ĐT thì các trường không có căn cứ để quy định trường hợp cụ thể cho học sinh được đổi tổ hợp chọn môn vào cuối năm học.
Là một người mẹ có con đang chịu tác động của đổi mới giáo dục, tôi mong Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn cụ thể hơn các trường hợp được chuyển tổ hợp chọn môn và cho học sinh có thể chuyển tổ hợp từ khi kết thúc học kỳ I.
Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác đều băn khoăn, tại sao Bộ không cho phép học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập vào cuối học kỳ I, khi học sinh nhận ra không phù hợp hoặc đuối sức mà phải đợi đến cuối năm học?
Thực tế, nếu được chuyển sớm sẽ bớt những khó khăn cho học sinh trong quá trình bổ sung kiến thức và nhà trường cũng đỡ áp lực khi hỗ trợ học trò.
Bởi ngoài học bổ sung, học sinh còn phải học các môn học khác, ngay cả khi nhà trường có giải pháp hỗ trợ nhưng học 'cuốn chiếu' một môn học trong một năm cũng không dễ khi các con chỉ có 2 tháng hè.
Rồi khi bố trí người dạy riêng cho một vài học sinh cũng đồng nghĩa phát sinh thêm giờ, thêm tiết cho giáo viên và khoản phát sinh này phụ huynh phải trả hay ai trả?
Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể với vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cũng như nguyện vọng cho con em chúng tôi.
Minh Thanh
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (Chương trình 2018), sách giáo khoa (SGK) mới. Năm nay học sinh lớp 10 học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ chọn 4/9 môn học tự chọn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ công, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. |