Những nội dung trên nằm trong Hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành ngày 28/3.
Theo đó, phụ nữ mang thai mà chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ, không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa sẽ được chăm sóc tại nhà khi mắc Covid-19.
Trẻ sơ sinh mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh cũng được chăm sóc tại nhà.
Một người mẹ mắc Covid-19 sinh con tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM. |
Theo Bộ Y tế, dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh như bú ít hoặc bỏ bú; ngủ li bì khó đánh thức; suy hô hấp với biểu hiện thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, khò khè, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu sốt cao >38°C, co giật hoặc co cứng; cử động bất thường, mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; trẻ có dấu hiệu mất nước; nôn liên tục, bụng chướng, tiêu chảy, phân có máu; vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là trong 24 giờ sau sinh, vàng da kéo dài trên 14 ngày...
Theo hướng dẫn này của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 khi cách ly tại nhà cần đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày.
Duy trì khám thai định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường hoặc chỉ định của nhân viên y tế. Nếu thai phụ đến ngày hẹn khám thai và không có bất thường sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc đợi đến ngày hết cách ly.
Bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và cho con bú, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường như ra máu tăng dần hoặc có máu cục, sản dịch có mùi hôi, đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ.
Ngoài ra, vết khâu tầng sinh môn hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ, sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều; co giật; vú sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ…
Đối với trẻ sơ sinh mắc Covid-19, cần được theo dõi tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu. Đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở và đo SpO2 hai lần/ngày. Bộ Y tế lưu ý, các máy đo SpO2 được dùng cho người lớn có thể không đo chính xác ở trẻ sơ sinh, do đó phải kết hợp theo dõi các dấu hiệu toàn trạng của trẻ.
Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại trung tâm HOPE trong đỉnh dịch Covid-19. |
Bộ Y tế cho rằng, không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc Covid-19.
Tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào và không được xịt rửa mũi cho trẻ sơ sinh. Có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ, tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
Nếu chỉ có mẹ mắc Covid-19, mẹ có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ với các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như rửa tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc trẻ, vệ sinh bầu vú hoặc vắt sữa cho trẻ ăn...
Trường hợp sức khỏe bà mẹ tiến triển nặng, có thể sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ, hoặc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay khi sức khỏe ổn định.
Đối với phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, có thể dùng thuốc hạ sốt, oresol, kẽm trong thời gian mắc Covid-19. Nếu ho thì dùng chanh, mật ong, súc miệng bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Thuốc ho có chứa hoạt chất Dextromethorphan, Guaifenesin… hoặc có nguồn gốc thảo dược.
Không tự ý dùng thuốc kháng virus kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em… khi chưa có chỉ định, kê đơn.
Linh Giao
Người mắc Covid-19 sau bao lâu có thể hiến máu?
Rất nhiều người dân băn khoăn mắc Covid-19 sau bao lâu có thể hiến máu để an toàn cho cả người hiến và người nhận?