Nếu không đạt được chỉ số trên thì phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc).
Chỉ số này là rất quan trọng để giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế không quá tải trong trường hợp dịch bùng phát. Theo tính toán, tỷ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi là cao nhất, chiếm tới 81% tổng số ca tử vong vì Covid-19.
Vì lẽ đó, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo đã luôn yêu cầu ưu tiên tiêm cho những người trên 50 tuổi trong nhiều văn bản đã ban hành.
Tiêm vắc xin tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và tiêm chủng ở TP.HCM, nơi đang đặt mục tiêu mở dần cửa lại từ ngày 1/10 tới, là khó khăn trong việc đạt được chỉ số này, bên cạnh một vài chỉ số khác như bản dự thảo đưa ra.
Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ngày 27/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP nghiên cứu rất kỹ dự thảo hướng dẫn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", song với tình hình TP.HCM hiện nay, việc thực hiện sẽ “rất khó”.
Vì thế, thay vì áp dụng quy định “Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin”, TP kiến nghị điều chỉnh thành: “Ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), đến hết ngày 25/9, tại TP.HCM, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.107.266.
Đây là nỗ lực rất lớn của TP, nhưng trong bối cảnh thiếu vắc xin, tỷ lệ này chưa đủ lớn so với tổng số mũi vắc xin đã triển khai là 9.441.815 tính đến ngày 25/9.
Theo kiến nghị của 8 hiệp hội doanh nghiệp, với chỉ số 1 quy định trong dự thảo “Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19” thì TP.HCM phải ở cấp độ 4 còn rất lâu (2-3 tháng nữa), sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm.
Vì thế, các hiệp hội kiến nghị, nên cho phép những người tiêm đủ được đi làm, và căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU (Hướng dẫn của WHO ngày 14/6 chia ra các mức 90% là đáp ứng hạn chế nhưng chưa được dự thảo tính đến) để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Khoảng thời gian như vậy là không thể vì “TP không thể không mở”, như Bí thư Nguyễn Văn Nên từng nói.
Trong khi đó, việc tăng cường tiêm đủ cho nhóm người rủi ro cao ở TP.HCM sẽ giúp đảm bảo việc mở cửa không gặp rủi ro cao, theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc).
Bà tính toán, TP.HCM sẽ cần thêm 1 triệu liều vắc xin để tiêm mũi 2 cho 80% cho người từ 50 tuổi trở lên.
Đây là mục tiêu trong tầm tay và có thể được thực hiện trong thời gian ngắn khi TP được cung cấp thêm vắc xin tới đây, miễn là nhóm người dễ tổn thương được ưu tiên tiêm chủng.
Nhìn rộng ra toàn quốc
TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TP.HCM đồng tình khi cho rằng, TP cần đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên ở các quận, huyện sắp đạt chỉ tiêu ở cấp độ 3.
Ở góc độ rộng lớn hơn, TP.HCM cần mở theo các nhóm vì không thể mở một mình. TS Nguyễn Thu Anh nói: “Tôi cho rằng cần tập trung ưu tiên vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên ở các địa phương có vai trò kinh tế - xã hội quan trọng và không thể kéo dài giãn cách được nữa”.
Bà tính toán, bên cạnh TP.HCM cần thêm 1 triệu liều vắc xin để tiêm mũi 2 cho 80% cho người từ 50 tuổi trở lên, các tỉnh thành xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh cũng cần được bổ sung vắc xin. Tổng cộng cả khu vực đang đóng góp đến 45% GDP của cả nước sẽ cần 4,3 triệu liều.
Với các khu vực còn lại, theo bà Thu Anh, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 6,3 triệu liều để đảm bảo mục tiêu 80% người 50 tuổi trở lên được tiêm, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc sẽ cần khoảng 4,5 triệu liều.
“Như vậy, với khoảng hơn 15 triệu liều, Chính phủ sẽ đảm bảo mục tiêu về vắc xin để mở cửa cho các khu vực chiếm khoảng ¾ GDP của cả nước”, bà Thu Anh nói.
TS Trương Minh Huy Vũ nhận định, về chuỗi liên kết vùng, TP.HCM có thể mở cửa lưu thông hàng hóa với 3 tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương vì tỉ lệ phủ vắc xin mũi 1 đã đảm bảo. Riêng với Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu thì cần cân nhắc các quy định đi kèm, bởi tỉ lệ tiêm ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên còn rất thấp.
Ông phân tích, dựa vào số liệu thống kê tình hình dịch bệnh và năng lực hệ thống y tế, tình hình tiêm chủng, có thể thấy rằng TP.HCM và đa số tỉnh, thành xung quanh có thể cơ bản kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Các địa phương này phải liên kết để kiểm soát dịch hiệu quả và bền vững. Đó là “bàn đạp” để TP mở rộng quy mô liên kết vùng sang khu vực ĐBSCL, khu vực Đông Nam bộ.
Song, vắc xin chỉ là một thành tố của tình trạng “bình thường mới” tới đây. Còn rất nhiều tỉnh không có vắc xin để tiêm thì thực hiện theo quy chế của bản dự thảo như thế nào khi nó được thông qua?
Bà Thu Anh nói, vai trò của người dân là quan trọng, mang tính quyết định đến quá trình chống dịch tới đây: “Khi sống với SARS-CoV-2, mỗi người buộc phải hạn chế đến nơi đông người không cần thiết, ít nhất là cho tới khi mọi người đều được tiêm đủ 2 mũi. Các biện pháp y tế công cộng như 5K cần tiếp tục được tuân thủ và tốt nhất là trở thành thói quen về lâu dài để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh”.
Tư Giang
Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’
Đất nước đang bước vào “thời bình thường mới” với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hai đầu tàu là TP.HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành đang rục rịch mở trở lại. Làm thế nào để phục hồi, bứt phá?