Ngày 24/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ở huyện Mê Linh.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 14h ngày 22/4/2022, sau khi uống rượu, ông Nguyễn Văn Phương (SN 1978, ở thôn Kim Giao, xã Chiến Thắng, huyện Mê Linh) gọi điện cho bà Nguyễn Thị Liên (ở cùng thôn) để hỏi mua ngan.
Khi nghe điện thoại, thấy ông Phương có biểu hiện say rượu nên bà Liên tắt máy không nghe. Thấy vậy, ông Phương tiếp tục gọi điện nhiều lần nhưng bà Liên vẫn không nghe máy.
Nghĩ bà Liên coi thường mình, ông Phương phóng xe máy đến khu vực trang trại chăn nuôi của nhà bà Liên để nói chuyện. Trên đường đi, gặp chồng bà Liên là ông Nguyễn Văn Nam (SN 1968), ông Phương chửi tục và nói: "Chú nghĩ cháu không có tiền à mà gọi điện không nghe máy''.
Vì việc này, hai bên đã xảy ra to tiếng, xô xát. Ông Phương đấm vào mặt ông Nam làm rách da chảy máu đuôi lông mày. Trong khi đó ông Nam cũng đấm đá ông Phương. Được mọi người can ngăn, sự việc tạm dừng lại.
Sau đó, ông Phương về nhà lấy 2 túi vôi bột rồi quay lại trang trại nhà ông Nam để “gây chiến”.
Được hàng xóm cho biết việc ông Phương quay lại tìm ông Nam để thách thức đánh nhau, bà Liên gọi con trai là Nguyễn Thế Bằng (SN 1992) thông báo: "Có người nói thằng Phương đang đánh bố mày dưới đầm, con xuống xem thế nào''.
Bằng đến trang trại, thấy ông Phương đang chửi nhau với bố, trong khi mặt ông Nam bị chảy máu nên lao đến đấm vào đầu ông Phương...
Thấy ông Phương say, ngồi dưới đất, một người hàng xóm khuyên Bằng: “Mày đưa nó về, nó say nát như tương rồi”. Lúc này, ông Nam lái xe cùng Bằng đưa ông Phương về nhà. Người nhà sau đó kiểm tra ông Phương, thấy ông da mặt tím tái, môi thâm, không cử động, không thấy tim đập nên đã gọi xe taxi đưa đi viện.
Tuy nhiên, bác sỹ thông báo nạn nhân đã tử vong. Giám định pháp y kết luận ông Phương tử vong do chấn thương sọ não nặng, có vết sưng nề tụ máu vùng đầu do vật tày mềm gây nên, có vết xây xát khác trên người do vật cứng gây nên.
Với diễn biến kể trên, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Bằng mức án 8 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vì cho rằng vụ án đã vi phạm tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Cụ thể, cơ quan tố tụng đã không đưa người đại diện của nạn nhân, bao gồm cả những người thừa kế như các con, bố mẹ của nạn nhân tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra. Vì thế, họ không được tống đạt các văn bản tố tụng, không thể thực hiện được các quyền khiếu nại, yêu cầu giám định lại.