Tổng lực nhằm đảm bảo tiến độ

Thông tin về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đến cuối tháng 3/2023, trên 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần, các nhà thầu đã huy động 318 mũi thi công với tổng số 1.937 máy móc thiết bị các loại, 3.891 nhân sự thi công và 243 nhân sự tư vấn giám sát.

Huy động 4.000 kỹ sư, 300 mũi thi công cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: Hoàng Hà) 

Được biết, công tác huy động nguồn lực cho công trường đang được các nhà thầu rốt ráo thực hiện, song, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng vẫn bày tỏ sự lo lắng khi khối lượng công việc thực hiện còn thấp.

Theo đó, khối lượng thi công chủ yếu ở công tác đào bóc hữu cơ, thi công đường công vụ, cọc khoan nhồi… tổng sản lượng thi công thực tế hiện chưa cao.

Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến nay, các địa phương đã bàn giao được hơn 577 km, đạt 80% tổng diện tích GPMB cho dự án.

Tuy nhiên, theo báo cáo, diện tích mặt bằng có thể thi công được thấp hơn so với số liệu nhận bàn giao của các Ban QLDA do người dân chưa cho thi công vì chưa nhận tiền đền bù, chưa thống nhất giá đất ở, chưa có nhà tái định cư. Một số đoạn nhà thầu không tiếp cận được công trường do phải đi qua phần đất chưa GPMB, mặt bằng bàn giao bị “xôi đỗ”.

Thử nghiệm sử dụng cát biển thay thế

Với vấn đề vật liệu xây dựng cao tốc, trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nâng cao chất lượng công tác khảo sát vật liệu xây dựng, thỏa thuận, làm việc với địa phương về vị trí, trữ lượng khai thác.

Theo đó, hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã được thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng.

Các mỏ đá, đất đắp, cát xây dựng có đủ trữ lượng cung cấp cho dự án, tuy nhiên, công suất khai thác đá, cát tại một số khu vực còn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ triển khai.

Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng cũng đã xác định các mỏ cát đắp bảo đảm đủ trữ lượng đáp ứng nhu cầu, nhưng công suất mỏ hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều mỏ chưa được cấp phép khai thác dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp cho dự án.

“Như vậy, có thể khẳng định, trữ lượng vật liệu cho các dự án là bảo đảm. Việc thiếu hụt là do công tác tổ chức khai thác, điều phối, công suất khai thác hạn chế”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho dự án, lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai cấp mỏ vật liệu xây dựng như: Địa phương có kế hoạch nâng công suất mỏ đá, cát đang khai thác để bảo đảm nguồn cung theo tiến độ của dự án; đẩy nhanh thực hiện thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác các mỏ đã có trong quy hoạch chưa cấp phép khai thác.

Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến những khó khăn về nguồn cát đắp nền. Đến nay, việc thiếu hụt nguồn đất này đã được Chính phủ tháo gỡ, giải quyết.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu lâu dài, đa dạng nguồn cung, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu sử dụng cát biển cho các công trình giao thông và đang tiến hành thi công thử nghiệm trên 1 đoạn tại dự án Hậu Giang - Cà Mau để đánh giá tổng kết làm cơ sở triển khai.

“Khi áp dụng đại trà sẽ khắc phục tình trạng thiếu vật liệu cát đắp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.