Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19, tính đến 17h00 ngày 21/9, tổng số huy động vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 là 8.692 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số chi từ Quỹ đã lên đến hơn 4.506 tỷ đồng, trong đó hầu hết dành cho mua vắc xin. Cụ thể, chi mua vắc xin là 4.498 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 8,8 tỷ đồng.

Tính đến cuối ngày 21/9, số dư Quỹ là 4.185,3 tỷ đồng.

{keywords}
Quỹ vắc xin đã chi hơn 4.500 tỷ đồng mua vắc xin

Như vậy, Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 đã chi đúng với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và quyết định thành lập Quỹ này.

Theo đó, Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Đến nay, số tiền chi cho mua vắc xin chiếm tuyệt đại đa số nguồn chi của Quỹ, số chi dành cho nghiên cứu vắc xin chỉ là 8,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy Quỹ đã chi đúng với mục đích đề ra ban đầu, không có chuyện chi sai mục tiêu hay thay đổi mục tiêu của Quỹ.

Mới đây, Chính phủ đã ra nghị quyết đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 do Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cu Ba sản xuất.

Trước đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đây là số vắc xin mà Bộ Y tế và Pfizer thỏa thuận dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi.

Tính cả 2 thỏa thuận với nhà sản xuất này, Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vắc xin Pfizer. Trong đó quý 3/2021 vắc xin sẽ về hằng tuần, số lượng 3 triệu liều trong cả quý 3, quý 4, số lượng vắc xin Pfizer về dự kiến lên tới 47 triệu liều, tập trung vào 2 tháng 11 và 12.

Theo tính toán của Bộ Y tế trước khi thành lập Quỹ này, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, “sống chung với dịch bệnh” trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vắc xin lại không kéo dài, việc tiêm vắc xin phải tiến hành định kỳ. Tất cả những điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Việc người dân, doanh nghiệp chung tay đóng góp vào Quỹ với số tiền rất lớn kể trên đã thể hiện tinh thần góp sức với Chính phủ để Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong ngày hôm qua (20/9), thêm 502.493 liều vắc xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, cả nước đã thực hiện tiêm tổng cộng hơn 35 triệu liều vắc xin. Trong đó, có 28.288.007 mũi 1 và 6.783.707 mũi 2.

Điều này đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, địa phương trong suốt mấy tháng vừa qua, nhất là khi vắc xin vẫn còn khan hiếm trên toàn cầu

Với dân số đông so với nhiều quốc gia khác, từ nay đến quý II/2022 Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh tốc độ mua, sản xuất, tiêm vắc xin cho người dân, nhằm đưa cuộc sống trở về trạng thái an toàn nhất, nhằm đạt được "mục tiêu kép".

Cùng với tiến độ tiêm vắc xin, nhiều khu vực trên cả nước cũng đã từng bước mở cửa dần các hoạt động. 

Lương Bằng

Khách tiêm đủ vắc xin, từng là F0 được đi du lịch Sài thành

Khách tiêm đủ vắc xin, từng là F0 được đi du lịch Sài thành

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch vừa được UBND TP.HCM ban hành, áp dụng cho các cơ sở lưu trú, khách du lịch, các DN lữ hành và điểm tham quan.