Theo tổng kết của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ 2018 đến 2021, Chương trình Phát triển CNHT theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được bố trí tổng kinh phí hơn 630 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ở cấp địa phương, tổng kinh phí được bố trí để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ khoảng 75,88 tỷ đồng. Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ngân sách nhà nước đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hơn 650 tỷ đồng để khởi công mới 02 dự án Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất cần nguồn vốn lớn (ảnh: Băng Dương)

Tuy nhiên, việc bố trí, huy động các nguồn lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự tương xứng với vai trò, nhu cầu và tiềm năng phát triển của ngành.

Đa số các địa phương có nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, cơ bản chủ yếu mới thực hiện được ưu đãi tiền thuế đất và thủ tục hành chính, kết nối doanh nghiệp. Việc bố trí nhân lực, nguồn lực và tổ chức các đơn vị quản lý, phát triển công nghiệp còn chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.


Triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và CNCBCT, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, theo đó ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vây trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT. 

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, cụ thể: (i) Ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực CNHT; (ii) Đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; (iii) Cân đối tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp  với mặt  bằng lãi suất huy động và mức độ rủi ro khoản vay. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn chính sách nhằm kết nối ngân hàng và doanh nghiệp,  góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phương Linh