Hàng năm, ngành chăn nuôi luôn phải đối mặt rất nhiều thách thức về dịch bệnh, rủi ro kinh tế… Trước tình hình đó, nhiều hộ nông dân tại các địa phương đã mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học hay chăn nuôi gia cầm khép kín. Mô hình này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định được giá cả, đầu ra sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo vùng an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), trang trại của bà Hoàng Thị Thành là nơi đầu tiên thực hiện theo mô hình này.
Xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín có quản lý là rất cần thiết. |
Trước đây, bà Thành chăn nuôi gà với số lượng ít, theo hình thức chăn thả để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, hiệu quả việc chăn nuôi mang lại không cao, thiệt hại do dịch bệnh luôn thường trực. Tỷ lệ gia cầm hao hụt nhiều.
Khi biết đến mô hình chăn nuôi gà khép kín, liên kết với doanh nghiệp, bà dành thời gian nghiên cứu, đến một số trang trại ở Bắc Giang học hỏi. Sau đó, bà mạnh dạn vay vốn hơn 1 tỷ đồng, xây khu chuồng 1,250 m2. Khu chuồng trang bị máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, hệ thống xử lý chất thải khép kín, đèn chiếu sáng.
Phía công ty liên kết cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà. Khi gà đến tuổi xuất chuồng, công ty bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.
Lứa đầu tiên, bà nuôi hơn 20.000 con gà giống, sau hơn 100 ngày chăm sóc, gà đạt trọng lượng 2,3 kg thì được công ty bao tiêu toàn bộ với giá bán từ 55.000 đến 68.000 đồng/kg (tuỳ từng thời điểm), bà thu về trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Bà Thành chia sẻ, việc chăn nuôi gà theo mô hình khép kín, áp dụng đúng quy trình, gà không bị dịch bệnh, lớn nhanh, khỏe mạnh. Ngoài việc cho gà ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bà nhỏ thuốc và tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, kịp thời điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng nuôi phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện môi trường để gà lớn nhanh, phát triển tốt.
Đồng thời để làm cho chuồng trại khô thoáng, hạn chế dịch bệnh, bên cạnh việc thường xuyên phun thuốc sát trùng, trước khi thả gà, bà rải một lớp trấu dày khoảng một tấc toàn bộ diện tích chuồng để hút mùi hôi và độ ẩm của phân gà. Với phương pháp chăn nuôi này, trại gà của bà Thành không xảy ra dịch bệnh đồng thời gà đạt năng suất cao…
“Ưu điểm của nuôi gà khép kín là số lượng gà đông và nuôi nhốt tập trung nhưng nhờ hệ thống chuồng trại hiện đại cũng như được vệ sinh, khử trùng thường xuyên nên không gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”, bà Thành nói.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng sẽ tuyên truyền các hộ chăn nuôi trong vùng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng khẳng định, trước thực trạng dịch bệnh khó kiểm soát như hiện nay, nhất là khi dịch cúm gia cầm liên tục xảy ra, gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi thì việc nhanh chóng xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín có quản lý là rất cần thiết. Phương thức kết hợp bền vững giữa nhà chăn nuôi và doanh nghiệp trong mô hình liên kết chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh…
Văn Bắc