Cô Tô là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch và khai thác thủy hải sản. Nhiều năm trước, Cô Tô cũng đứng trước nạn ô nhiễm môi trường đặc biệt là rác thải nhựa. Khách du lịch và người dân sống trên đảo xả rác ra môi trường. Trung bình một ngày huyện đảo Cô Tô thu gom 15 - 20 tấn rác, trong đó có hơn 1 tấn rác thải nhựa. Việc thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 20 đến 30%, còn lại phải đốt và chôn lấp gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái trên đảo.

Từ năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cô Tô phê duyệt đề án Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” tại Quyết định 175 - QĐ/HU năm 2021. Huyện Cô Tô hướng tới mục tiêu 100% người dân được cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng xả thải các sản phẩm nhựa ra môi trường nhằm nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo. 

co to.png
Cô Tô ngăn chặn rác thải nhựa trên đảo. Ảnh: Phương Anh.

Các nội dung của đề án được tất cả cán bộ, công chức, người dân biết tới. Vận động 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ký cam kết thực hiện nói không với rác thải nhựa. 

Đối với người dân, vận động các hành động mua sắm không sử dụng đồ nhựa, túi nilon, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Đối với các tàu thuyền đánh cá, du lịch hoạt động trên biển không xả rác thải nhựa trực tiếp xuống biển.

Đối với ngành du lịch, Cô Tô đưa ra các yêu cầu hãng tàu vận tải, tàu du lịch, các công ty lữ hành, du khách ký không sử dụng và vận chuyển rác thải nhựa ra đảo, vứt rác thải nhựa xuống biển. Các đơn vị vận tải tuyên truyền do khách du lịch không mang rác thải nhựa ra đảo. 

Ngoài ra, Cô Tô còn kết hợp với nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Qua đó, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành và các tổ chức tại địa phương, Cô Tô đã dần hình thành một hòn đảo không rác thải nhựa. Nhiều mô hình thực hiện tại cộng đồng như phong trào biến rác thành tiền, ủ phân hữu cơ do Hội liên hiệp phụ nữ huyện triển khai. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh phong trào “Tiếng trống sạch trường”, “Kế hoạch nhỏ”, “Đoạn đường em chăm”; phong trào tổng vệ sinh thứ 5 hàng tuần gắn với huy động đông đảo nhân dân tham gia, các tuyến đường được giao đảm nhận thường xuyên cắt cỏ, tỉa cây, dọn vệ sinh môi trường giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch – đẹp.

Trên huyện đảo Cô Tô, người dân tích cực tham gia phong trào “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Các gia đình đã thay thế túi nilon thân thiện với môi trường, phân loại rác thải ngay tại nguồn. 

Từ tháng 9/2023, Huyện Cô Tô đã yêu cầu bắt buộc tất cả các hành khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Huyện cũng yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản... trên địa bàn huyện Cô Tô không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,...) và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển kể từ thời gian trên.

Phấn đấu đến năm 2025, tại Cô Tô 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân trên địa bàn không phát sinh rác thải nhựa.

Với nỗ lực giảm rác thải nhựa, Cô Tô hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững từ du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.

Phương Anh