HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy là một điểm sáng của huyện Lệ Thủy trong phát triển kinh tế tập thể bằng nội lực và cách làm sáng tạo. Đơn vị đã phát huy tốt vai trò của mình nhờ thực hiện tốt 8 khâu dịch vụ: giống cây trồng, vật tư phân bón, thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Với diện tích canh tác gần 300 ha, mỗi năm, sản lượng lúa HTX khoảng 2.700 tấn; trong đó, số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trên địa bàn chỉ khoảng 1.000 tấn, số còn lại được bán ra thị trường nhưng nhiều lúc giá bấp bênh.

anh 3.jpg
Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích lúa lớn của tỉnh Quảng Bình.

Vì thế, đơn vị đã xây dựng thương hiệu gạo sạch để nâng cao giá bán, giúp nông dân ổn định đầu ra. Hiện, sản phẩm "Gạo sạch Lệ Thủy" của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng được đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nên có điều kiện mở rộng ở thị trường trong nước.

Theo Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 134 HTX hoạt động theo tiêu chí "tổ chức sản xuất" của Chương trình mục quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có 115 HTX hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, có 60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. 

Đặc biệt, từ khi Quảng Bình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX đã nhanh chóng bắt nhịp và chọn được sản phẩm đặc trưng để đầu tư sản xuất. Đến nay, có 43 sản phẩm của 35 HTX đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao.

Tại huyện Lệ Thủy, nông dân là những thành viên nòng cốt của các HTX, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh- quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Trong những năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các HTX trong trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã và đang phát huy vai trò của kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển mà trọng tâm là xây dựng HTX kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Huyện đã có các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung tạo ra ô thửa lớn, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. 

Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. 

Các HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho thành viên HTX. Bên cạnh đó, không ít HTX nhanh chóng đáp ứng với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau, tổ chức phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cho thành viên, điển hình như HTX Đại Phong, Thượng Phong. An Xá, Lộc An, Quy Hậu….

Tuy vậy, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò HTX  nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của các HTX vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn...

Vì vậy, thời gian tới huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể.

Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX và bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo ký kết hợp đồng. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cao.

Đồng thời phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế HTX là sự lựa chọn thích hợp để các hộ cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị nhằm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Thế Vinh và nhóm PV, BTV