Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, năm 2010, Bình Liêu là huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 8,82 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hơn 60%. So với bộ tiêu chí quốc gia về NTM, 6 xã nông thôn của huyện khi đó mới đạt 2,6/19 tiêu chí và 9,8/39 chỉ tiêu. Riêng các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và môi trường, đều không có xã nào đạt.

Dấu ấn đậm nét nhất trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở đây là tinh thần chủ động, mạnh dạn triển khai những mô hình sản xuất, kinh doanh mới để làm giàu. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện thành lập thêm 2 hợp tác xã, 26 hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia triển khai 23 mô hình phát triển sản xuất. 595 hộ dân (trong đó có 6 hộ nghèo, 96 hộ cận nghèo) mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Tổng số tiền vay trong 6 tháng đầu năm đạt trên 49 tỷ đồng.

W-minhhoa.png
Sản phẩm OCOP của Bình Liêu

Để phát triển kinh tế du lịch người dân Khe O đã dựng cổng chào ở đầu thôn, trồng hoa, cây cảnh 2 bên đường vào thôn. Những cung đường Khe O uốn lượn quanh thôn, dải ruộng bậc thang chập chùng vàng óng… Thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện phân bổ kinh phí cho Khe O xây dựng khu chuồng trại tập trung; cử cán bộ đến từng hộ, từng người dân Khe O vận động người dân ăn ở sạch; triển khai mô hình về thu gom chất thải gia súc… Khu chuồng trại tập trung của Khe O được ví như "chung cư" của trâu, bò vì được xây dựng cách rất xa dân cư, có thiết kế chuồng trại và các ô chuồng riêng biệt. 

Đến với Hoành Mô hôm nay, không khó nhận ra khí thế phát triển kinh tế rừng, lấy cây hồi, cây quế và cây sở làm trọng tâm của người dân. Nhiều hộ gia đình ở đây năng động mở dịch vụ ép hạt sở lấy dầu và chế biến bã quả sở làm vật tư nông nghiệp mang lại nguồn thu ổn định. Xã Hoành Mô chính thức đạt chuẩn NTM nâng cao, nhờ mức thu nhập của người dân trên địa bàn đạt cao, các hoạt động phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Xã Húc Động có nghề truyền thống làm miến dong. Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, những xưởng miến được tráng thủ công năm xưa giờ hiện đại hơn nhờ công nghệ và thiết bị tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP 4 sao Quảng Ninh. Đời sống kinh tế khấm khá, người dân Húc Động sôi nổi tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao. 

Những ví dụ trên là minh chứng sống động cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đang lan tỏa mạnh mẽ tới từng thôn, bản trên địa bàn, cổ vũ, động viên người dân Bình Liêu hăng say thi đua lao động, xây dựng quê hương Bình Liêu. 

Sau hơn 13 năm bắt tay triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cái nghèo, cái khó một thời của Bình Liêu đã dần được xoá mờ. Hiện trên địa bàn huyện Bình Liêu có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt chuẩn đô thị văn minh. Người dân phấn khởi khi Bình Liêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM và là huyện đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước đạt thành tựu này.