Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều tập trung cao cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, nhiều sở, ngành, địa phương đã đạt được kết quả tốt, trong đó, nổi bật nhất phải kế đến 2 huyện miền núi là Hương Khê và Vũ Quang.
Theo cập nhật từ Công Dịch vụ công quốc gia, hiện tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của huyện Vũ Quang đạt trên 92,5% - cao nhất tỉnh và kế tiếp là huyện Hương Khê với 88,9%.
Ông Nguyễn Quang Thái - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Huyện bám sát và triển khai sớm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về dịch vụ công trực tuyến. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã hoàn thiện các kế hoạch, chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến để triển khai cho các phòng, ban và các địa phương.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh tổ chức sớm các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến cho đội ngũ cán bộ làm công tác giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông xã, thị trấn và Trung tâm Hành chính công huyện”.
Ngoài sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, Vũ Quang cũng huy động sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng đoàn thể, chính trị để hướng dẫn người dân tiếp cận, làm quen với việc nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Bí thư Huyện đoàn Vũ Quang Nguyễn Đức Anh cho biết: “Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong chuyển đổi số, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đoàn hình thành, quản lý những nhóm, kênh tuyên truyền trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức cho đoàn viên về chuyển đổi số. Chỉ khi đoàn viên thanh niên nắm vững, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số mới có thể tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tốt nhất.
Đến nay, tất cả các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng đều có đoàn viên thanh niên tham gia, vừa hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử vừa hướng dẫn, hỗ trợ bà con các kỹ năng về nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên các thiết bị số”.
Tại Hương Khê, để tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt ở mức cao, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Theo đó, ngoài việc bám sát vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh để triển khai sớm, Hương Khê còn thành lập các nhóm zalo của những cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ huyện đến cơ sở để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá hỗ trợ, tiếp nhận các hồ sơ nộp trực tuyến.
Đồng thời, quán triệt với đội ngũ làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện và bộ phận một cửa cấp xã về trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ năng, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến để từng bước hình thành thói quen cho bà con.
Ông Trần Kim Dũng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Hương Khê cho biết: "Để tạo sự lan toả, huyện chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức khi làm các thủ tục hành chính của bản thân hoặc gia đình nếu thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến thì phải thực hiện trực tuyến. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng công tác tập huấn CCHC và chuyển đổi số cho các địa phương".
Theo tổng hợp từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần của Hà Tĩnh là 466 thủ tục, đạt tỷ lệ 26,64%; số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình là 697, đạt tỷ lệ 39,85%; số thủ tục không cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 586, đạt tỷ lệ 33,5%. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của Hà Tĩnh đạt 70%, cao hơn mức bình quân cả nước. |
Theo Ánh Nguyên (Báo Hà Tĩnh)