Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, nguyên nhân dịch bệnh thường xuất hiện là do tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung đã tăng mạnh từ năm 2018 đến nay. Đàn gia cầm từ 4,8 triệu con (năm 2018) tăng lên trên 8,4 triệu con trong năm 2020. Trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến.
Chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Ảnh: Anh Duy |
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm bùng phát trên gia cầm, huyện Trà Cú triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng, chống dịch cúm gia cầm cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra phương tiện vận chuyển gia cầm vào khu vực nội ô. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức trên lĩnh vực chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, gia súc...
Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong huyện tổ chức công tác giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, khóm, ấp để phát hiện dịch sớm bệnh, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh và khoanh vùng xử lý ngay các ổ dịch xảy ra đầu tiên. Hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm theo định kỳ; khai báo kịp thời khi phát hiện bệnh.
Trà Cú cũng là một trong những địa phương trong tỉnh có đàn gia cầm phát triển khá mạnh, nhất là mô hình nuôi gà thả vườn và vịt đẻ kết hợp chạy đồng. Hàng năm, khi vào thời điểm giao mùa, nhất là thời tiết lạnh trong những ngày cuối năm thường làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, nhất là đàn gà như: bệnh cúm, tụ huyết trùng.
Hiện nay, đối với bệnh tụ huyết trùng (làm cho gà có triệu chứng ủ rủ, xù lông, ra phân trắng…dẫn đến gà chết hàng loạt và lây nhiễm qua phân) đã giảm 80-90%. Nguyên nhân là việc chăn nuôi gia cầm hạn chế chăn thả, người dân nuôi theo hướng tập trung có rào chắn xung quanh và vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng… Đồng thời, người nuôi thực hiện các quy trình quản lý và chăm sóc đàn tốt như: tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh chuồng trại định kỳ… khả năng xảy ra bệnh khi vào thời điểm giao mùa rất thấp.
Anh Duy