Reuters trích dẫn một tuyên bố của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi hôm 15/3 cho biết, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc thông qua cuộc kiểm tra được tiến hành ngày 14/3 nhận thấy, 10 thùng phuy chứa gần 2,5 tấn uranium tự nhiên dưới dạng UOC (tinh quặng uranium) không còn ở địa điểm nhà chức trách Libya từng khai báo trước đây.

Theo ông Grossi, IAEA từng lên kế hoạch thanh sát hạt nhân ở Libya hồi năm ngoái nhưng “buộc phải hoãn hoạt động này do tình hình an ninh trong khu vực”. Cơ quan sẽ triển khai "các hoạt động tiếp theo" để xác định hoàn cảnh số uranium nói trên bị di dời khỏi địa điểm và xem hiện chúng đang ở đâu.

"Việc không hay biết vị trí hiện tại của các vật liệu nguyên tử có thể gây ra rủi ro phóng xạ cũng như những lo ngại về an ninh hạt nhân", trích tuyên bố của IAEA. Cơ quan không tiết lộ tên địa điểm đã xảy ra sự cố, nhưng nói việc tiếp cận nó đòi hỏi "hậu cần phức tạp".

Năm 2003, Libya dưới thời nhà lãnh đạo khi ấy Muammar Gaddafi thông báo từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Lúc đó, quốc gia này đã sở hữu máy ly tâm có thể làm giàu uranium cũng như thông tin thiết kế bom hạt nhân, dù đạt được rất ít tiến bộ trong việc chế tạo bom.

Libya gần như vẫn chưa hòa bình kể từ sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011 nhằm lật đổ chế độ Gaddafi. Kể từ năm 2014, quyền kiểm soát chính trị ở nước này đã bị phân chia giữa các phe phái đối địch ở phía đông và phía tây, với cuộc xung đột lớn gần đây nhất kết thúc năm 2020.

Chính phủ lâm thời của Libya được thành lập vào đầu năm 2021 thông qua một kế hoạch hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và đáng lẽ chỉ tồn tại cho đến khi diễn ra một cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 12 cùng năm. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cho đến nay vẫn chưa được tổ chức và tính hợp pháp của chính phủ lâm thời cũng đang gây tranh cãi.