Từ 19/3 - 23/8/2011, lực lượng NATO do Mỹ, Anh, Pháp làm nòng cốt tiến hành chiến dịch Bình minh Odyssey (Odyssey Dawn) tấn công Libya nhằm lật đổ tổng thống nước này Muammar Gaddafi.
Hệ thống tác chiến điện tử của liên quân
NATO chủ yếu sử dụng hệ thống tác chiến điện tử của không quân và hải quân, trong đó, các hệ thống trinh sát, chế áp chủ động và thụ động được liên kết với nhau khá chặt chẽ.
Hệ thống tác chiến điện tử của không quân gồm nhiều loại máy bay tác chiến điện tử hiện đại như EA-18G, EC-130J, trinh sát tín hiệu EP-3, giám sát chiến trường E-8C, chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C và E-3, do thám Nimrod R1 và Sentinel R1... để thu thập tình báo, điện từ trường, cảnh báo đe dọa, hỗ trợ chỉ huy và kiểm soát hệ thống thông tin, chế áp hệ thống phòng không của Lybia.
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu chiến lược (B-1B, B-2A) và chiến thuật (F-15, F-16, F-18…) có các hệ thống hỗ trợ tác chiến điện tử đã đóng góp một phần quan trọng vào hoạt động khai thác phổ điện từ trường và hỗ trợ theo dõi tình hình chiến trường. Toàn bộ các máy bay tác chiến điện tử được kết nối với hệ thống tác chiến điện tử ở các căn cứ không quân tại Tây Ban Nha, Italia, Anh và Hy Lạp.
Hệ thống tác chiến điện tử của hải quân được cấu thành bởi các hệ thống tác chiến điện tử đặt trên các tàu chiến. Những tàu này được trang bị hệ thống radar trinh sát và các hệ thống tác chiến điện tử kiểu kết hợp AN/SLQ-29; máy gây nhiễu AN/ULQ-6; hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32, AN/SLQ-30; hệ thống phóng nhiễu tiêu cực MK-36SRBOC; hệ thống thu, theo dõi tác chiến điện tử AN/WLR-8...
Trước khi phát động cuộc chiến, các hoạt động giám sát chiến trường được tiến hành khá rầm rộ, nhiều đợt hoạt động của các loại máy bay như P-3C, RC-135… được tiến hành xung quanh lãnh thổ Lybia và truyền các tín hiệu xung về căn cứ.
Tiến công điện tử
NATO đã sử dụng tối ưu năng lượng điện từ, năng lượng định hướng và tên lửa bức xạ tiến công vào lực lượng Lybia, phá hủy cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật quân sự của Lybia, vô hiệu hoá khả năng đáp trả của quân đội Lybia, làm giảm hiệu quả sử dụng phổ điện từ để gây nhiễu, đánh lừa.
Đáng chú ý, ngoài việc sử dụng các vệ tinh trên quỹ đạo để giám sát chiến trường, NATO còn sử dụng máy bay E-2C, E-3, EA-6B và RC-135 để gây nhiễu, trinh sát điện tử và phát hiện các mục tiêu; sử dụng các máy bay trinh sát tầm cao U-2 và máy bay không người lái RQ-4B hoạt động liên tục trong nhiều giờ, chế áp các hệ thống chỉ huy, thông tin, radar phòng không Lybia.
Khi đạt được mục đích làm mù radar và gây rối loạn thông tin cho quân đội Lybia, NATO bất ngờ dùng máy bay chiến lược B-1B và B-2A ném bom và phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các trung tâm chỉ huy, thông tin… sử dụng máy bay chiến đấu phóng tên lửa chống bức xạ để phá huỷ radar phòng không của Lybia.
Bảo vệ điện tử và hỗ trợ tác chiến điện tử
NATO đã sử dụng số lượng lớn máy bay kết hợp cùng vệ tinh tiến hành trinh sát điện tử trong các môi trường khác nhau liên tục trước và trong quá trình tác chiến trên dải tần rộng và công nghệ tiên tiến nhất.
Máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng EA-6B, EC-130H chế áp, áp đảo các hệ thống radar, tên lửa và hệ thống kiểm soát thông tin và tình báo của Lybia, tạo điều kiện cho máy bay chiến đấu đánh phá các mục tiêu trọng yếu. Máy bay EA-6B gây nhiễu hộ tống cho máy bay B-2A đánh phá nhiều công trình trọng yếu của Lybia.
Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ đã sử dụng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler chở các loại radar, ăng-ten và nhiều loại thiết bị công nghệ cao, như thiết bị trinh sát thu sóng AN/ALQ-218, bộ thu sóng AN/ALQ-218, bộ gây nhiễu sóng radar AN/ALQ-99, thiết bị phá sóng liên lạc Raytheon ALQ-227(V)1, hệ thống thông tin liên lạc INCANS... gây nhiễu nặng cho môi trường xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các máy bay chiến đấu hoạt động, trong khi các hệ thống cảnh báo và phòng không của Lybia gần như bị tê liệt hoàn toàn không thể hoạt động được.
Có thể nói, trong sử dụng lực lượng và trang bị tác chiến điện tử, NATO rất coi trọng ưu thế về công nghệ, tạo yếu tố bất ngờ làm đối phương trở tay không kịp, từ đó nhanh chóng giải quyết chiến trường, giành chiến thắng, giảm thiểu được thương vong.
Tuy nhiên, do các hoạt động gây nhiễu và chế áp điện tử được tiến hành liên tục nên các thiết bị dễ bị phát hiện. Đặc biệt, làm tăng gánh nặng bảo đảm điều kiện dung hợp điện từ; số kênh liên lạc trùng lắp cũng tăng gây phức tạp cho việc chế áp vô tuyến điện; hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí tuy hiện đại nhưng cũng bộc lộ nhiều khả năng bị tổn thương.
Nguyên Phong