Để góp phần đạt được mục tiêu kép của chính phủ là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khí hậu và phát triển bền vững đã và đang trở thành một lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.

Theo số liệu của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, tổng cam kết đầu tư mới của IFC đạt gần 1,9 tỷ USD trong năm tài chính 2023, trong đó, cam kết đầu tư dài hạn là 520 triệu USD.

Các dự án đầu tư và tư vấn của IFC tập trung giải quyết những thách thức cốt lõi đối với Việt Nam giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 và vượt qua những khó khăn đến từ môi trường trong nước cũng như quốc tế.

Phần lớn số vốn đầu tư dài hạn được dành để tăng cường cho vay hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cũng như người mua nhà có thu nhập thấp và trung bình, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Tính đến nay, IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam.

dau tu nong nghiep.jpg
Tổng cam kết đầu tư mới của IFC tại Việt Nam đạt gần 1,9 tỷ USD. 

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết, vốn tư nhân là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Việc phát hành trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên trong nước là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của các công cụ tài chính xanh sáng tạo như một kênh huy động vốn mới cho các dự án thông minh với khí hậu tại Việt Nam.

“Khoản đầu tư của IFC cũng sẽ khuyến khích các nhà phát triển gắn lợi ích của họ với hoạt động đầu tư có trách nhiệm để có thể huy động vốn từ thị trường vốn xanh, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch bền vững", ông Thomas Jacobs nói.

Mới đây, IFC cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty cổ phần BIM Land và công ty con là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành.

Nguồn vốn huy động bằng trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam này nhằm giúp các doanh nghiệp phát hành mở rộng kinh doanh đồng thời tạo việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hỗ trợ mô hình tăng trưởng carbon thấp của Việt Nam.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV