Vào thứ 5 tuần này, ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram thông báo sẽ thêm một bộ luật mới, nghiêm cấm các bức hình tự hại (tự gây tổn thương cho bản thân). Bộ luật này là câu trả lời của Instagram với vụ việc nữ sinh 14 tuổi tự tử vào năm 2017. Theo đó, nữ sinh người Anh Molly Russell đã tử sát, ngay sau đó bố của em là ông Ian Russell tìm thấy những hình ảnh mang tính tự hại trên trang Instagram của con mình.
Theo ông Russell thì có nhiều trang mà con gái mình theo dõi đăng những hình ảnh ghê rợn, có các lời tuyên truyền dẫn tới sự trầm cảm. "Con tôi theo dõi rất nhiều trang trên Instagram, có một vài trang đăng tải hình ảnh tươi vui, gồm những người gặp chứng trầm cảm muốn giúp đỡ lẫn nhau, nhưng ngược lại có những trang lại đăng tải những hình ảnh khuyến khích tự hại và thậm chí tự tử".
Molly Russell, nữ sinh 14 tuổi nguiời Anh đã tự sát vào năm 2017, dẫn tới sự thay đổi của Instagram trong chính sách của mình
CEO của Instagram là ông Mosseri cho biết, hãng đã làm việc với rất nhiều nhà tâm lí học trước khi đưa ra quyết định nói trên. Theo ông, những hình ảnh xấu, liên quan đến việc làm hại bản thân sẽ vô tình thúc đẩy người xem làm theo, nên cần được loại bỏ. Song, những hình ảnh mang tính tích cực vẫn cần được chia sẻ, giúp những người mắc chứng trầm cảm có thêm hi vọng. Sự thay đổi này sẽ không được áp dụng ngay, mà cần có thời gian để nghiên cứu thêm.
Daniel J. Reidenberg, chủ tịch của hội đồng chống tự vẫn Save.org là một trong những người khuyến nghị Facebook, và giờ là Instagram áp dụng những thay đổi này. Nhưng ông cũng cho rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm và phải được áp dụng một cách mềm dẻo, không được áp dụng thuật toán cứng nhắc. Hãng phải phân biệt được những hình ảnh ghê rợn với các hình ảnh thông thường. Theo ông Mosseri thì rất có thể hãng cũng sẽ làm theo Facebook, thêm một lớp làm mờ trước những hình ảnh tự hại.
Đây cũng không phải là lần đầu Facebook gặp phải tình trạng nói trên, khi đầu 2017 đã có rất nhiều vụ việc người dùng phát trực tiếp cuộc tự sát của họ. Vụ việc này bắt hãng phải áp dụng nhiều thuật toán, những người kiểm duyệt nội dung liên quan tới tử tự.
Theo các nhà phân tích của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), thì tự tử là nguyên nhân lớn thứ 2 dẫn đến tử vong của những người từ độ tuổi 15 tới 29. Bà April C. Foreman, một nhà tâm lí học cho rằng việc Instagram và Facebook cấm những hình ảnh tự hại chỉ là bước đầu, các mạng xã hội này cần phải có những biện pháp để giảm thiểu tự tử trong giới trẻ, chứ không chỉ 'làm đẹp bộ mặt' của trang ứng dụng.
Trí Thức Trẻ