Hãng thông tấn Fars ngày 7/1 dẫn lời ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran cho biết, ngay cả khi cơ quan quyền lực này chỉ đồng thuận về kịch bản trả thù ít tàn khốc nhất thì việc thực thi nó cũng có thể là "cơn ác mộng lịch sử" đối với người Mỹ.

{keywords}
Các binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: Reuters

Quan chức an ninh hàng đầu Iran không tiết lộ thêm thông tin về việc những kịch bản trả đũa Mỹ có thể là gì. Song, trong cuộc trò chuyện trước đó với một quan chức Syria ở Tehran, ông Shamkhani nhấn mạnh, Iran "chắc chắn sẽ đáp trả bằng vũ lực nhưng nó sẽ chỉ giới hạn trong các biện pháp quân sự". Ông Shamkhani cũng cảnh báo, Washington nên sớm hiểu rằng việc giết Thiếu tướng Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sẽ khiến mọi việc với Mỹ trở nên nguy hiểm hơn so với khi vị tướng này còn sống.

Theo Sputnik, ông Shamkhani còn ca ngợi việc Quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết thúc giục chính phủ buộc Mỹ phải rút quân khỏi nước này, đồng thời mô tả động thái như "cái tát mạnh vào mặt (Tổng thống Mỹ) Donald Trump" và các thuộc cấp. Ông Shamkhani nói, khi nghị quyết chính thức có hiệu lực, việc tiếp tục hiện diện của quân Mỹ tại Iraq "sẽ tương đương với sự chiếm đóng".

Sau cái chết của Thiếu tướng Soleimani hôm 3/1, nhiều lãnh đạo hàng đầu Iran đã lên tiếng khẳng định sẽ không để người Mỹ yên. Tướng Gholamali Abuhamzeh, chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở tỉnh miền nam Kerman, quê hương của ông Soleimani từng tuyên bố với hãng thông tấn Tasnim rằng, Tehran từ lâu đã nhận diện các mục tiêu trọng yếu của Mỹ trong khu vực từ rất lâu. Hiện 35 mục tiêu Mỹ trong khu vực cũng như Tel Aviv (Israel) đều nằm trong tầm tấn công của quân đội nước này.

Đáp trả, Tổng thống Trump đe dọa sẽ tập kích 52 mục tiêu Iran, bao gồm cả một số cơ sở có ý nghĩa quan trọng với nền văn hóa nước này nếu Tehran ra tay.

Tuy nhiên, theo Reuters, trả lời báo giới tại Lầu Năm góc hôm 6/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dường như phản bác lại lời ông Trump khi quả quyết quân đội Mỹ sẽ tuân thủ các luật về xung đột vũ trang. Tấn công các địa điểm văn hóa bằng hành động quân sự được coi là tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế, kể cả một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền Trump năm 2017 và Công ước Hague 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa.

Trước sự leo thang căng thẳng Mỹ - Iran, hai nước đồng minh của Washington là Anh và Đức đã rục rịch kế hoạch sơ tán công dân khỏi Iraq. Không quân Mỹ cũng điều 6 máy bay ném bom tầm xa B-52 Stratofortress tới Diego Garcia, một tiền đồn bí mật ở Ấn Độ Dương để "sẵn sàng cho các chiến dịch chống Iran nếu có lệnh".

Các diễn biến bất lợi đang làm "lò lửa" Trung Đông rực cháy, khiến dư luận râm ran những ý kiến lo sợ về nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Tuấn Anh