Phía Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) chưa thấy lời giải thích này thuyết phục.

{keywords}
Đại diện Iran tại IAEA Gharib Abadi. (Ảh: AP)

Theo Fox News, cáo buộc trên được đại diện Iran Kazem Gharib Abadi đưa ra tại một cuộc họp của IAEA ở Vienna.

Vụ việc với thanh sát viên xảy ra tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran ngày 28/10. Cổng vào có gắn thiết bị kiểm tra dấu vết nitrat, theo ông Abadi.

"Chuông của thiết bị dò kêu lên và nó phát tín hiệu tới một người cụ thể. Họ làm đi làm lại bước kiểm tra này và kết quả đều như nhau đối với thanh sát viên đó".

Vị đại diện Iran cho biết thêm, khi họ chờ một nhân viên đến kiểm tra thanh sát viên thì người phụ nữ đó đi vào phòng tắm. Khi quay trở lại thì bà không còn cho kết quả dương tính nữa. Nhóm kiểm tra bèn lấy các mẫu từ nhà tắm và tịch thu túi xách của người phụ nữ.

Abadi nói ông hy vọng các xét nghiệm thêm nữa từ Iran và IAEA sẽ làm sáng tỏ những gì đã xảy ra.

"Iran, cũng như các thành viên khác của Cơ quan, không tha thứ cho bất kỳ hành vi hay hành động nào có thể chống lại sự an toàn và an ninh tại các cơ sở hạt nhân của mình, đặc biệt… tính đến những mưu đồ phá hoại trước kia ở các cơ sở hạt nhân Iran", ông Abadi nhấn mạnh.

IAEA đã ra thông cáo cự lại lời giải thích trên. Cơ quan này tuyên bố sẽ "tham vấn Iran với quan điểm làm rõ tình hình".

Nitrat là một loại phân bón phổ biến nhưng khi được trộn với một lượng nhiên liệu thích hợp thì có thể trở thành chất nổ mạnh như TNT. Các cuộc kiểm tra - phổ biến tại các sân bay và các cơ sở an ninh khác - có thể phát hiện sự hiện diện của nitrat trên da hoặc đồ vật.

Vụ việc trên xảy ra giữa lúc Iran bắt đầu bơm khí vào các máy li tâm ở Fordo, một cơ sở được xây dựng dưới lòng núi ở phía bắc thành phố Qom. Tổng cộng 1.044 máy li tâm ở tổ hợp này trước đó hoạt động mà không có khí uranium để làm giàu hạt nhân theo thỏa thuận mà Iran ký với các cường quốc năm 2015.

Iran khẳng định một quan chức Liên Hợp Quốc thuộc IAEA đã chứng kiến đợt bơm khí và các máy li tâm sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ 4,5%, vượt trên giới hạn đã nêu trong thỏa thuận nhưng chưa đến cấp độ 90% để sản xuất vũ khí.

Các bước đi mới của Iran là nhằm gây thêm sức ép với châu Âu để nước này có thể bán dầu thô ra nước ngoài, bất chấp những cấm vận mà Mỹ áp đặt sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận.

Thanh Hảo