Hiệp ước được kí kết năm 2015 mang tên JCPOA không dựa trên lòng tin – Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết trong một bài phỏng vấn qua email với tờ New York Times. Thay vào đó, thỏa thuận này được đưa ra dựa trên “việc thẳng thắn thừa nhận sự thiếu lòng tin ở nhau”, đó là lí do tại sao thỏa thuận lại dài và chi tiết đến vậy.

Khổ 36, với nội dung về cơ chế giải quyết xung đột trong hiệp ước, cho phép một bên ngừng tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận nếu một bên khác ngừng tuân thủ, là một ví dụ điển hình cho tư tưởng phía sau thỏa thuận này – ông Zarif giải thích.

“Chúng tôi hiện đang thực hiện phương án đó trong thỏa thuận. Thực chất, chúng tôi làm vậy là để có thể ngăn chặn việc hiệp ước sụp đổ hoàn toàn, sẽ gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ”, ông Zarif khẳng định.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif

Mặc dù thỏa thuận đang đứng trên bờ vực sụp đổ do sự rút lui đơn phương của Mỹ và chiến thuật gây “sức ép tối đa” lên Tehran của Washington, song ông Zarif vẫn bênh vực hiệp ước, cho rằng nó là phương án tối ưu nhất dưới hoàn cảnh hiện tại. “Tôi tin rằng JCPOA đã và hiện vẫn là thỏa thuận tốt nhất có thể được đưa ra về vấn đề hạt nhân”, Bộ trưởng cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng, tất cả thành viên kí hiệp ước đều hiểu rất rõ rằng tất cả các bất đồng sẽ không thể đồng thời được giải quyết. “Chúng tôi đã chấp nhận rằng chúng tôi sẽ không thể giải quyết tất cả các khác biệt trong thỏa thuận này, và đã đồng ý sẽ không đưa chúng vào thỏa thuận”.

Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng hiệp ước đã đề cập được hầu hết các vấn đề gây lo ngại chính của tất cả các bên liên quan.

Ông Zarif cũng không bận tâm đến việc các nhân vật có tư tưởng bảo thủ cứng rắn ở Iran chỉ trích ông vì đã đặt quá nhiều niềm tin vào phương Tây, và so sánh ông với một anh hùng trong một bộ phim cũ của Iran một cách châm biếm. “Tôi không có vấn đề gì với việc mọi người đùa vui một chút về tôi. Đó là một cách nữa để khiến tôi trở nên hữu ích!”, ông khẳng định.

Khi được hỏi về việc Washington có thể áp đặt các lệnh trừng phạt lên cá nhân ông, Bộ trưởng cho biết ông không có gì để mất. “Mọi người quen biết tôi đều biết là tôi, hay gia đình tôi, không sở hữu tài sản ở ngoài Iran. Cá nhân tôi còn không có tài khoản ngân hàng nào ngoài Iran. Iran là cả cuộc đời tôi và là cam kết duy nhất của tôi. Nên tôi chẳng có vấn đề gì với các lệnh trừng phạt cả”, ông cho biết.

Thỏa thuận JCPOA được kí kết năm 2015, trong nhiệm kì của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các nước kí kết bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran. Theo hiệp ước này, Washington sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngăn chặn Tehran giao thương thương mại tự do. Đổi lại, Iran sẽ giới hạn đáng kể chương trình hạt nhân của nước này.

Đến năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút lui khỏi thỏa thuận, qua đó tái áp dụng các lệnh trừng phạt lên Iran. Tuy nhiên, tất cả các nước kí kết khác vẫn cam kết sẽ tuân thủ hiệp ước.

Khi EU thất bại trong việc cung cấp cho Iran một cơ chế thương mại tự do khả thi trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran đã thông báo sẽ tạm ngừng tuân thủ các cam kết của nước này trong hiệp định JCPOA, cho đến khi EU có thể đưa ra một phương án khả thi hơn.

Anh Thư