Do đặc điểm sức sống mãnh liệt nên Si được người Mường coi là biểu tượng mãnh liệt của sức sống con người.

Trong tâm thức dân gian cây Si được xây dựng thành các biểu tượng, hình tượng gắn liền với sự sinh ra muôn loài từ cây Si vũ trụ. Cây Si còn được xây dựng là biểu tượng của hôn nhân bền vững, của tính phồn thực sinh sôi, nảy nở. Nó còn là biểu tượng của sinh mệnh, tuổi thọ như cây Si trên mường trời gắn liền với nghi lễ Mo Vía Kéo Si. Hình tượng của sự quy tụ, yên vui như cây Si trong mường Chạ Đống. Vậy tại sao phải làm lễ kéo Si-lễ cầu sức khỏe cho người già, trong khuôn khổ nội dung bài viết, tôi xin được phân tích, minh họa để bạn đọc hiểu thêm về nghi lễ đặc biệt này.

{keywords}
Thực hiện nghi lễ kéo si

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, người Mường cho rằng vạn vật trên thế gian này đều có linh hồn. Linh hồn thường vô hình không thể nhìn thấy và nó gắn với vật như bóng với hình. Khi về già con người thường ốm đau, bệnh tật, nguyên do được cho rằng cây Si-Vía của người đó trên mường trời bị sâu, hà, ngã, đổ dẫn đến thể xác dưới lương gian bị ảnh hưởng, thể hiện trong lời khấn làm vía.

Vào những ngày đầu xuân, lễ thức Kéo Si lại được tổ chức ở các làng bản của người Mường. Sau khi gia chủ đã chọn được ngày lành tháng tốt, người con dâu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc phụng sự gia đình nhà chồng, đầu đội nón, tay cầm ớp khọ đi xin gạo trong xóm, biểu tượng cho sự đùm bọc, tình làng nghĩa xóm.

Thực hiện nghi lễ làm Vía kéo Si trên trời thể hiện niềm tin dân gian Mường, là ứng xử nhân văn với bản thân, với cha mẹ, ông bà, có mục đích chính là gọi những Vong, Vía người ốm đi lạc với thân thể, dựng lại cây Si số mệnh, điều đình với thần linh để kéo dài tuổi thọ.

Về tiến trình thực hiện nghi lễ, khi thầy Trượng, bà Mỡi làm chủ tế đến nhà, gia đình trải một chiếu hoa ở gian ngoài, bày mâm thờ Thân thư của thầy, sau đó thầy khấn mời Thân thư đến hộ vệ mình làm Chủ tế. Sau khi các mâm cúng đã sắp lên, các vật dâng cúng đã bày lên đầy đủ, thầy Chủ tế thấy đã được mới tiến hành. Thông thường một nghi lễ Làm Vía kéo Si trên mường trời cơ bản có các bước sau:

- Khẩn nổ: Khấn mời Thân thư thầy chủ tế đến nhà hộ vệ thầy trong toàn bộ tiến trình thực hiện nghi lễ.

- Mát nhà: vảy nước thánh làm mát ngôi nhà.

- Cho Thân thư và chàng Thông Cảo lên trời mời các vị thần linh xuống.

- Khấn kể sự tích Đẻ Gạo, sau đó Gạo đi đón tìm các Vong, Vía đi lạc về.

- Tiến hành nghi thức Kéo Si lên.

- Cho thần linh và Vong Vía người ốm ăn cơm, sau đó ru Vía nhập vào thân thể.

- Treo bát cơm và cành Si lên cao.

- Kết thúc nghi lễ.

Đặc biệt là nghi thức Kéo Si, sau khi đã tìm, gọi được các Vong Vía lạc về nhà lúc này nghi lễ chuyển sang nghi thức Kéo Si. Cành Si được đặt  phần gốc lên bát cơm, trên cành Si có buộc 2 sợi chỉ trắng, đỏ. Đây là dây kéo Si, một dây dùng cho phụ nữ, một dây dùng cho nam giới. Lúc này theo chỉ dẫn của thầy Chủ tế, các con đẻ của người ốm như con gái, con trai, con dâu, các cháu nội ngoại, đứng hoặc ngồi theo thứ tự từ trưởng thì ở gần cây Si, dần đến các con thứ.

Thầy Chủ tế khấn

“Hết thảy cùng nhau

Tập trung sang đây

Để dọn dẹp những cây Si đổ

Dọn dẹo cây Si mường Rậm đổ sang

Cây Si mường Vang đổ lại”

Như vậy họ dọn dẹp các cành si nơi khác đổ đến cho quang đãng, sạch sẽ, sau đó mới dựng kéo Si lên.

“Bắt trước mụ trực Si

Bắt trước mụ trực sanh

Để dựng cây Si lên cho tốt

Để dựng cây Si này lên cho lành

Cho xanh mọi lộc, mọi lá

Bảo nhau kéo dựng cây Si này

Dựng lên cao ngất

Lên dâm một bên đất

Dựng lên che một bên trời

Để cho con trai, con gái

Dâu, rể, cháu, chắt

Vun gốc Si này

Cho Si sống ngàn năm, trăm đời

Sống lâu như mặt trời, như sao sáng”

Theo  hiệu lệnh của thầy, con cháu từ từ kéo cành Si lên thẳng đứng rồi cắm xuống chậu cơm nếp. Tiếp đến các con, cháu mỗi người đắp một miếng cơm, người đắp một miếng thịt hay cá xung quanh gốc Si. Việc lấy cơm nếp, thịt, cá đắp vun quanh gốc Si tượng trưng cho tấm lòng hiếu thảo của con cháu vun đắp cho cây Si những thứ ngon, thứ quý để cây Si nhanh chóng xanh tốt trở lại. Cuối cùng người con dâu cả là người sắp xếp lại mâm Si, lấy các đũa đỏ cắm xung quanh cành Si nhỏ, lấy sợi chỉ vừa kéo lúc này quấn quanh, đây là ý nghĩa thể hiện con cháu, rào dậu bảo vệ khỏi bị trâu bò, súc vật phá hoại. Có một số vùng, người con dâu cả phải đội nón, tay cầm cuốc xuống vườn nhà cuốc vài nhát hay làm động tác vun, xới, biểu trưng việc vun Si. 

Sau khi kết thúc lễ Kéo Si, mâm Si được treo lên cao ở hướng mặt trời mọc, nếu nhà không hướng về phía đồng thì họ treo lên phía trên cửa sổ gian giữa để qua đêm. Sáng hôm sau trước khi mặt trời mọc các con cháu lấy xuống hưởng lộc ăn thịt trên chậu cơm Si. Riêng cành cây Si được dắt lên đòn tay nhà để theo dõi nếu qua 7 ngày lá Si không bị rụng, úa coi như lời khấn nguyện của con cháu có hiệu lực, nếu ngược lại con cháu biết và lặng lẽ chuẩn bị hậu sự.

Nghi lễ Kéo si của người Mường thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa thiên nhiên và con người. Con người vun đắp cho cuộc sống, cho thiên nhiên thêm tươi thêm đẹp; thiên nhiên tạo ra môi trường sống trong lành cho con người, đem lại cho con người nguồn sinh lực, sức khoẻ dồi dào để chúng ta vui sống, lao động tích cực, xây dựng bản làng no ấm.

Hồng Liên

Ảnh: Hoàng Hiệp