Thưa các đồng chí!

Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra. Chúng ta đã nghe, thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: 

1- Báo cáo tiến độ, kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp 21 (tháng 01/2022) đến nay.

2- Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của Ban Chỉ đạo.

3- Báo cáo tình hình, kết quả thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Qua thảo luận, các đồng chí đều cơ bản thống nhất nội dung tài liệu của Cơ quan Thường trực; đồng thời góp ý, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung. Giao Cơ quan Thường trực tiếp thu, hoàn thiện tài liệu, các văn bản.

Sau đây tôi xin tổng hợp nhanh, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung để kết thúc buổi làm việc hôm nay.

I- VỀ KẾT QUẢ NỔI BẬT

Từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới. Điều này thể hiện trong Báo cáo và Tờ trình tóm tắt mà đồng chí Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo vừa trình bày. Tôi xin khái quát lại thành mấy điểm nổi bật sau: 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

1. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ; chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á,... Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành. Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác  phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) kết luận, chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp lớn, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, sự tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác PCTNTC. Quốc hội, Chính phủ thường xuyên tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chỉ đạo các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập, phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và PCTNTC; trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã rà soát, hoàn thành 68/137 nhóm nhiệm vụ lập pháp.

2. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương. Ban Chỉ đạo tổ chức 8 Đoàn kiểm tra chuyên đề công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản; qua kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý 370 vụ án, vụ việc. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 26 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật 46 tổ chức đảng, 138 đảng viên, trong đó có 16 tổ chức đảng, 29 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; yêu cầu cấp uỷ cấp dưới kỷ luật 22 tổ chức đảng, 126 đảng viên([1]).

Tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Uỷ viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (Gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh uỷ; 2 chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh; 4 nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ; 20 sĩ quan cấp tướng). Đặc biệt là, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).

Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý đối với kết quả giám sát về công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Qua đó đã kiến nghị khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC.

 3. Ngành Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận, nhất là đã khẩn trương thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.

Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế chỉ đạo phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 498 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm trước). Riêng ngành Thanh tra, Kiểm toán chuyển 325 vụ.

4. Từ sau Phiên họp 21 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tỉnh, ủng hộ, đánh giá cao (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và bí thư tỉnh uỷ; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương, 2 nguyên chủ tịch tỉnh và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); khẩn trương đưa xét xử nhiều vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo([2]). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

5. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước; trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước)([3]). Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Quảng Ninh,... Điều này cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã giảm dần; trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được.

 6. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160 nghìn tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng (tăng 7.000 tỉ đồng so với năm trước).

Từ những kết quả nổi bật nêu trên có thể khẳng định: 

(1) Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống. Giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở,... 

(2) Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Uỷ viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật.

(3) Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Uỷ viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh.

(4) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và "Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm".

 (5) Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo đã nêu, như: (1) Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, phối hợp chưa tốt, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, định giá. (2) Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. (3) Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chưa chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. (4) Công tác thu hồi tài sản mặc dù làm rất mạnh, tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn([4]).

Do vậy, đề nghị các đồng chí quan tâm chỉ đạo khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới.

II- MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Thưa các đồng chí!

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau: 

1. Tập trung chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 11 vụ án, truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là: 

- Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc: (1) Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; (2) Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; (3) Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; (4) Vụ án xảy ra tại Công ty AIC.

 - Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 6 vụ án trọng điểm từ nay đến hết năm 2022, gồm: (1) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2, số 01 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang; (2) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan; (3) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ; (4) Vụ án "Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại An Giang; (5) Vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Long Biên, thành phố Hà Nội; (6) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

 2. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty AIC và các công ty thành viên thực hiện. Khẩn trương hoàn thành, kết luận kiểm tra đối với 7 cuộc kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công - tư, xã hội hoá, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng,...

4. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ: 

- Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2017; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

 - Chỉ đạo Bộ Tư pháp lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

5. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục tệ "tham nhũng vặt"; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc "Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".

III- VỀ KẾT QUẢ KIỂM TRA CHUYÊN ĐỀ CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao 8 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đã tích cực, khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 8 Đoàn kiểm tra và các kiến nghị, đề xuất. Giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả kiểm tra, báo cáo tại Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo.

IV- VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT 

1. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất với những đề xuất cụ thể trong Báo cáo kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án của Cơ quan Thường trực trình tại Cuộc họp này; giao Cơ quan Thường trực tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng tiến độ các kiến nghị, đề xuất.

2. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 3 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kiến nghị của các Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học ở số 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội; (2) Vụ việc sai phạm tại Tổng Công ty Tín Nghĩa, Đồng Nai; (3) Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

 3. Giao cho Ban Nội chính Trung ương tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành Thông báo kết luận Cuộc họp; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan chức năng.

Cuối cùng, chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

____________________________

 ([1]) Điển hình như: (1) Liên quan đến các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hoá, đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 13 tổ chức đảng, 22 đảng viên chủ yếu là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có 03 Giám đốc, nguyên Giám đốc Công an tỉnh; Viện trưởng VKSND tỉnh; Chánh án TAND tỉnh, Chính uỷ và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Hải quan tỉnh; đồng thời yêu cầu Tỉnh uỷ An Giang xem xét, xử lý kỷ luật 15 tổ chức đảng, 72 đảng viên; (2) Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay đã hoàn thành 8/13 cuộc kiểm tra; đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 16 tổ chức đảng, 56 đảng viên, trong đó có 03 Uỷ viên Trung ương Đảng; yêu cầu tổ chức đảng xem xét, kỷ luật 5 tổ chức đảng, 18 đảng viên.
([2]) Gồm: (1) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; (2) Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà; (3) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan; (4) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ" xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; (5) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; (6) Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương; (7) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận. 
([3]) Các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng như: Nghệ An (29 vụ), Hà Nội (28 vụ), Bắc Ninh (19 vụ), Thành phố Hồ Chí Minh (15 vụ), Thái Nguyên (14 vụ), Sơn La (11 vụ), Tuyên Quang (14 vụ), Bắc Giang (13 vụ), Quảng Ninh (11 vụ), Nam Định (11 vụ), Thanh Hoá (11 vụ), Bình Định (11 vụ),...
([4]) Vẫn còn hơn 74.400 tỉ đồng chưa thu hồi được trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.