- Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nếu vì giá trần mà doanh nghiệp sữa sợ lỗ, doạ ngưng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm thì DN đó cũng sẽ không tồn tại được trong thị trường.

Áp trần, loại bỏ chi phí bất hợp lý

Áp giá trần sẽ buộc các doanh nghiệp sữa phải giảm giá mạnh. Tại sao, khi đương nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông không đề xuất áp dụng giải pháp này sớm hơn?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Năm 2008, trong Bộ Tài chính cũng từng có ý kiến đề xuất áp giá trần cho sữa, nhưng khi đó, chúng tôi không thể áp dụng biện pháp này được. Vì thực tế, giá sữa khi đó chỉ biến động tăng khoảng 5-10%, trong khi Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: "Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trước trước khi biến động" thì mới áp dụng biện pháp bình ổn giá, trong đó, có việc quy định giá tối đa.

Còn nay, quy định của pháp luật về giá đã được sửa đổi, không đặt điều kiện định lượng biến động giá như trước đây. Điểm a, khoản 1, Điều 4, Nghị định 177/2013/NĐ-CP đã quy định Nhà nước được sử dụng biện pháp bình ổn giá trong trường hợp: "Giá mua hoặc giá bán trên thị trường tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, bất hợp lý so với mức tăng hoặc giảm giá do tác động của các yếu tố hình thành giá...".

{keywords}

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam

Như vậy, chiểu theo kết luận của Thanh tra tài chính, các doanh nghiệp sữa đã tính sai nhiều khoản chi phí vào giá, đặc biệt là các chi phí bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng thì việc cần phải bình ổn, áp giá tối đa là đúng và khả thi.

Sau khi công bố giá trần, các doanh nghiệp đã lách luật, rồi lên tiếng kêu ca khó khăn như lỗ hàng tồn, lỗ bình ổn thì đòi Nhà nước bù đắp. Ông có ý kiến gì về điều này?

Tất cả những thắc mắc, kêu ca đó, tôi cho là những nhà quản lý hoạch định chính sách đều đã lường trước.

Tuy nhiên, Nhà nước cần giải thích để tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp như chi phí tính vào giá không đúng thì doanh nghiệp phải chấp nhận loại ra. Các doanh nghiệp không thể bắt người tiêu dùng chịu những chi phí vô lý ấy

Trong cơ chế thị trường hiện nay, tôi không phản đối mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, lợi nhuận càng cao, càng tốt, không phải là từ thiện. Nhưng đó phải là lợi nhuận đích thực do thị trường có hoạt động cạnh tranh lành mạnh đem lại, chứ không phải lợi dụng vị thế áp đảo trên thị trường để đưa ra mức giá cao, kiếm nhiều lợi nhuận.

Nếu theo Báo cáo thường niên qua các năm của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, nhiều ngành trong nền kinh tế có tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu hàng năm khoảng 10-15%, một số ngành thấp hơn, thì ngành sữa cũng cần xem xét lại tỷ suất lợi nhuận qua đợt thanh tra vừa qua, để có chia sẻ hợp lý với người tiêu dùng. Tôi được biết, lợi nhuận của ngành này đã là trên 20%, cao gần gấp đôi lợi nhuận bình quân của nhiều ngành lúc bình thường.

Chưa kể, các mức giá tối đa đó đã bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý và có lãi, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Cửa hàng sữa cũng vậy, họ chỉ giảm lãi thôi, còn cái mất của họ là mất chi phí bất hợp lý.

Ngưng cải tiến, doanh nghiệp sẽ không tồn tại

Thưa ông, các doanh nghiệp còn doạ việc áp giá trần sẽ làm giảm động lực sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường sữa. Ông có lo ngại điều này sẽ xảy ra?

Nếu nói như vậy không có tính thuyết phục lắm. Vì thứ nhất, nguyên tắc định giá chung của nền kinh tế là tuân thủ nguyên tắc thị trường. Dù là loại hàng hoá Nhà nước còn định giá cũng phải tuân thủ nguyên tắc này. Đã là thị trường thì có cạnh tranh. Chính quy luật cạnh tranh này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp sáng tạo, phát triển. Doanh nghiệp sữa tới đây sẽ vẫn cạnh tranh với nhau về giá trong khoảng dưới giá tối đa.
{keywords}

Nếu vì giá trần mà doanh nghiệp sữa sợ lỗ, doạ ngưng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm thì DN đó cũng sẽ không tồn tại được trong thị trường, ông Thỏa nhận định

Thứ hai là, mức giá tối đa mà Nhà nước quy định đã bù đắp được chi phí theo hướng tính đúng, tính đủ và có mức lợi nhuận hợp lý. Như vậy, doanh nghiệp vẫn có nguồn lực để nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng, sản phẩm.

Thứ ba, để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải khai thác và áp dụng các biện pháp sử dụng nguồn lực có hiệu quả, chứ không nên chỉ nhắm vào việc định giá cao không hợp lý để có nguồn đầu tư, vì đó là cách đi thiếu bền vững.

Lấy lý do bị áp giá trần để ngừng hoặc không đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thì tôi cho rằng, tự doanh nghiệp đó đã biết kết quả sẽ thế nào?. Họ sẽ không tồn tại và đứng vững trên thị trường được.

Dù vậy, trước khả năng lách luật của doanh nghiệp, dư luận vẫn hoài nghi tính khả thi của quyết định áp giá trần sữa đã được Bộ Tài chính công bố 10 ngày nay, như trường hợp Mead Johnson đã kịp đổi tên mặt hàng. Ông có đánh giá thế nào về việc này?

Việc doanh nghiệp lách luật có thể là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, pháp luật của ta đã có quy định chặt chẽ phòng ngừa việc này, như khi doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm mới ra thị trường thì phải đăng ký mới được đưa ra thị trường, nếu là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là một dòng sản phẩm khác với 25 sản phẩm cụ thể đã công bố giá tối đa thì vẫn thuộc đối tượng bị cơ quan quản lý Nhà nước cũng kiểm soát chi phí và áp giá trần trong giai đoạn bình ổn.

Phạm Huyền (thực hiện)