Ngày trước tôi tình cờ quen một ông bác cựu chiến binh. Lúc tôi biết bác thì bác đã lớn tuổi, có căn phòng nhỏ trong ngôi biệt thự Pháp cũ kỹ và manh mún. Ngoài những lúc chạy xe ôm để kiếm thêm, bác chỉ có hai thú vui là uống rượu và hát. Uống rượu không cần mồi nhắm và hát không cần nhạc đệm hay thiết bị tăng âm. Giọng bác lúc cao trào có thể làm rung khung cửa kính những ngày đông lạnh giá và rất lay động lòng người.
Có lần ngồi uống rượu, bác tâm sự về thời tuổi trẻ của mình. Giá như không có chiến tranh, bác hẳn sẽ là nghệ sĩ. “Ở bên trong ai cũng có một người nghệ sĩ. Một ca sĩ giỏi khi cất lên tiếng hát nếu cộng hưởng được với con người nghệ sĩ ẩn sâu bên trong khán giả thì người ca sĩ ấy thành công”, bác nói vậy. Còn tôi tin rằng nếu không phải ra chiến trường lăn lộn dưới những làn đạn pháo, hẳn chỗ đứng của bác phải là trên sân khấu, dưới ánh đèn màu và vô vàn những tràng pháo tay.
Hôm qua, đón con trai ở trường về, tôi bảo: "Khá Bảnh bị công an bắt rồi đấy". Con tôi không nói gì suốt quãng đường. Về đến nhà mới mở miệng ra nói: "Con hơi tiếc. Khá Bảnh múa đẹp lắm. Tay nó múa thế này này”.
ĐẠI BÀNG ĐẲNG CẤP THÔN XÃ
Con tôi học tiểu học, ở một trường công rất nhỏ và không được khang trang lắm, giữa Sài Gòn. Khoảng cách địa lý từ nơi con tôi học đến nơi Khá Bảnh sống chắc phải gần 2.000 km. Cháu chưa từng xem YouTube của Khá Bảnh, thậm chí còn không biết mặt Bảnh, bắt tôi lên mạng “Google” mặt Bảnh để xem. Nhưng cháu biết điệu múa Khá Bảnh vì ở trường các bạn chỉ nhau múa. Hôm nay đi học về cháu kể: “Thầy tiếng Anh con bảo Khá Bảnh xấu, đừng xem”.
Thế hệ chúng tôi lớn lên ai cũng quen, biết, thậm chí kết bạn với vài anh chàng lêu lổng phá làng phá xóm. Một số trong họ có chút tư chất thủ lĩnh và trở thành trùm (du đãng) cấp khu phố. Hay ở nông thôn, sẽ là một đại bàng đẳng cấp thôn xã.
Những anh chàng lêu lổng, du côn du đãng ấy, chỉ một số ít đi theo con đường “chuyên nghiệp”, vào tù ra tội, tiền án tiền sự đầy mình, dần dần tích lũy đủ “số má” để rồi trở thành dân xã hội đen thứ thiệt, làm đại ca, có địa bàn, có băng đảng.
Khá Bảnh tôi nghĩ rất khó có thể được coi là tay xã hội đen “đúng chuẩn”. Ở mức độ nào đấy, anh ta chỉ là một “cao bồi thôn”. Trông ngổ ngổ ngáo ngáo vậy thôi chứ “số má” cũng chưa có gì để làm tay “anh chị” thứ thiệt. Dân anh chị thứ thiệt chẳng ai cắt cái tóc như thế, xăm trổ như thế, rồi cởi trần múa may quay clip như thế cả.
Rất có thể công an và chính quyền nơi Khá Bảnh sống cũng đánh giá Bảnh như thế.
Nhưng smartphone, công nghệ 4G, nền tảng web dành cho mobile với YouTube và Facebook đi nhanh và xa hơn trải nghiệm, nhận thức, tư duy của những người đang chịu trách nhiệm giữ cho xã hội có trật tự.
VỚI YOUTUBE - FACEBOOK, ÁNH ĐÈN SÂN KHẤU LÀ VIEWS VÀ FOLLOWERS
Nhờ mạng xã hội, 4G giá rẻ, và học sinh cấp 2 cũng sở hữu smartphone, những ngôi sao văn nghệ hay hoa khôi của trường cấp ba tại một huyện xa xôi cũng có thể thành celebrity cả nước biết tên. Thậm chí một cô gái bán hàng rong xinh xắn chẳng may ăn góc hình đẹp, cũng trở thành hotgirl trên mạng.
Thế nên anh chàng “cao bồi thôn” ngô ngô nghê nghê bỗng nhiên có danh tiếng vượt ra khỏi thôn xã của mình là chuyện không có gì khó hiểu. Những “tràng pháo tay” là like và tung hoa. Ánh đèn sân khấu là views và followers. Những thứ đó đã kích thích “người nghệ sĩ” bên trong Khá Bảnh. Một anh chàng du đãng chưa mấy số má, múa quạt dẻo hơn cầm lê, cầm phóng, còn khóc thút thít khi (mới đây) bị công an bắt, bỗng trở thành “giang hồ 4.0” nổi tiếng cả nước.
Khi xã hội đen cũng thèm sống ảo, tất nhiên cả nước sẽ tò mò, còn công an địa phương hẳn sẽ rất bối rối.
Cần phải nhắc lại một chút, trước khi nổi tiếng “chính thức” trên các kênh truyền thông chính thống thì Khá Bảnh đã rất nổi tiếng theo kiểu “underground” rồi. Sau sự kiện “chụp ảnh trên cao tốc” Khá Bảnh bắt đầu được nhắc đến trên báo chí, và việc này làm độ nổi tiếng của Khá Bảnh tăng theo cấp số nhân. Những tên tuổi “giang hồ 4.0” khác như Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền nhờ đó mà thêm độ “hot”.
Nhìn đám đông học sinh xúm lại chụp ảnh chung với Khá Bảnh, hay người dân ùn ùn kéo theo Dương Minh Tuyền cả đường làng, nhiều người e ngại Khá hay Tuyền trở thành idol và hàng nghìn “fans” là thiếu niên kia sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Cơ quan chức năng đang từ bối rối bỗng nhiên cứng cỏi và mạnh mẽ. Họ bắt giam Khá Bảnh và yêu cầu YouTube khóa kênh của anh chàng này. Họp Chính phủ, Thủ tướng cũng nhắc đến Khá Bảnh.
Thế nhưng các em học sinh có thực sự là fan của Bảnh, các em có noi gương các idol như Bảnh, như Tuyền không? Theo chủ quan của tôi, có lẽ là có nhưng không nhiều, ít nhất là đến khi Khả Bảnh bị bắt. Các em hiếu kỳ là chính. Nhìn đám đông kéo nhau theo Dương Minh Tuyền, tôi thấy giống những người dân làng hò reo đi theo đám xiếc rong, hay thậm chí là bỏ cả buổi chỉ để chạy theo một cô gái bị bệnh tâm thần ăn mặc hở hang chẳng may đi lạc vào làng. Xong rồi mấy hôm là quên.
Cái nguy hại của hiện tượng Khá Bảnh không phải là “giang hồ sống ảo”. Sống ảo tự thân nó chỉ làm hại người sống ảo, Khá Bảnh đang phải trả giá cho việc sống ảo. Cái nguy hại của Khá Bảnh là làm vỡ các “norm”, tức các “quy phạm” bất thành văn để xã hội tồn tại có trật tự.
Trong một xã hội ổn định, trẻ em lớn lên làm người lớn là một quá trình học hỏi, tiếp nhận những quy tắc, quy chuẩn xã hội. Những quy tắc đó giúp con người ứng xử với nhau tử tế, đúng mực, hài hòa; không làm việc ác, tránh việc xấu; tôn trọng những giá trị thực và tích cực. Xã hội như vậy mới có trật tự, con người lương thiện được sống yên ổn.
Những hành vi xấu, xưa nay vì quy phạm của xã hội mà không ai dám làm, nay Khá Bảnh làm rồi quay clip tung lên mạng. Cái xấu bỗng tự nhiên trở thành việc bình thường, được “tung hoa”.
Việc công an bắt Khá Bảnh có thể là đúng lúc, sự nguy hại của Khá Bảnh chưa kịp lan tràn, và các em học sinh chưa kịp chuyển từ hiếu kỳ sang thần tượng Bảnh. Thế nhưng việc bắt Khá Bảnh không giải quyết được rốt ráo tận gốc rễ việc này, vì chắc chắn sẽ còn nhiều Khá Bảnh khác, muôn hình vạn trạng.
NHỮNG "NGÁO LIKE" SỐNG ẢO
Trong cuốn "Kinh tế học hài hước" của Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner, ở chương hai, các tác giả có nói về việc băng đảng 3K tan rã.
Đảng 3K là băng đảng ngầm, chuyên đi bắt cóc và hành hình người da đen. Họ độc ác và vô luân, vi phạm pháp luật. Người dân Mỹ biết như vậy. Có các đợt tuyên truyền để khuyên người Mỹ không gia nhập đảng 3K, người Mỹ cũng biết vậy. Nhưng vẫn có nhiều người bí mật gia nhập 3K. Tất nhiên 3K cũng hoạt động bí mật. Hệ thống truyền tin của họ cũng bí mật, như gián điệp. 3K có sức quyến rũ và quyền lực của “underground”.
Thế rồi có một anh chàng, đem tất cả những “bí mật” của 3K lên làm show trên truyền hình. Rồi đến một ngày, ngay cả trẻ con cũng biết các quy ước ngầm và mật mã của 3K. Các em còn đem ra làm trò chơi. Thế là tổ chức 3K hắc ám và nghiêm túc của người Mỹ da trắng xấu xa, bỗng nhiên thành trò hề. Việc này có tác động lớn đến việc 3K tan rã.
Xã hội đen cũng vậy, qua phim ảnh, ví như phim ảnh Hong Kong, nó có sức hấp dẫn kinh khủng: trượng nghĩa, hào hiệp, tình anh, nghĩa bạn bè, tiền bạc rủng rỉnh, gái đẹp lung linh. Thế nhưng chẳng mấy ai chứng kiến cái bạo tàn, vô luân, và bạc ác của thế giới ấy.
Thế rồi Khá Bảnh, có lẽ là vô tình chứ không cố ý, để thỏa mãn ước muốn “giang hồ sống ảo” của mình đã làm được những gì mà những nhà sản xuất truyền hình tài năng của Mỹ đã làm với đảng 3K: biến xã hội đen thành các anh chàng ngáo like, sống ảo, xăm trổ, múa hát và làm màu.
“Số má” mà họ đem ra khè nhau là lượng views, likes, followers, nút vàng nút bạc YouTube.
Theo Zing