Trong chương trình hội nghị, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng.

Về cơ bản, các ý kiến nhất trí cao với nhiều nội dung đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trong Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng như dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

nguyen khac dinh20240828190826.webp
Đại biểu thảo luận nội dung dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). 

Dự thảo luật có nhiều nội dung nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế có liên quan. Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp thu đề nghị của đại biểu Quốc hội và bổ sung tại Khoản 2, Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để thống nhất trong triển khai thi hành. Đại biểu phân tích, tại Khoản 22, Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận. Từ đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, có thể quy định tại Khoản 2, Điều 3 trong dự thảo luật cụ thể hơn, mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai mà không được sự đồng ý của người mẹ hoặc mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai, trừ trường hợp quy định tại Khoản 22, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, Điều 3 đã liệt kê chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả và tính răn đe của pháp luật, cần bổ sung một số quy định vào dự thảo Luật.

Theo các đại biểu, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm phụ nữ mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Bên cạnh các hành vi mua bán người và mua bán bào thai đã được quy định, cần bổ sung các quy định cấm việc “gây quỹ” hoặc “tài trợ” cho các hành vi mua bán người nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động phạm pháp này. 

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 45, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều).

Dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.