Tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do báo Người lao động tổ chức sáng 12/3, ông Võ Việt Hòa - Giám đốc Khối du lịch quốc tế Saigontourist - đặt vấn đề, thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng, điều này đúng, nhưng có bao nhiêu khách là du lịch thuần túy? 

Ông thấy rằng, khách quốc tế tăng nhưng thực tế công ty du lịch vẫn "đói" khách.

Ông Hòa phân tích, theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng cao trong cả năm qua và đầu năm 2024, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Như Saigontourist chỉ có cho thuê xe, đó là dịch vụ "xương xẩu".

Với Nhật Bản, lượng khách đến Việt Nam cũng không tăng do người dân nước này đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như thị trường Thái Lan, Australia, châu Âu hay Hàn Quốc,...

Khả quan hơn với khách Trung Quốc khi ông Hòa cho hay gần đây, Saigontourist có phục vụ phân khúc khách trung và cao cấp đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, bằng du thuyền. Theo ông Hòa, đây là thị trường lớn, đa dạng nhu cầu. Thế nhưng, sau 2 năm trông chờ, khách Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng nhưng năm 2024 có thể tốt hơn khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch.

W-khach-nuoc-ngoai-thach-thao-13-1.jpg
Cần có chính sách hấp dẫn hơn nữa về visa để thu hút khách và kéo khách quay trở lại. Ảnh: Thạch Thảo 

Điều đáng tiếc là khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính.

Với hàng không, theo bà Phạm Thanh Giang, Trưởng Phòng Bán và Tiếp thị - Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm (Vietnam Airlines), khách quốc tế đến Việt Nam mới bằng 90% năm 2019. 

Lý do, bà Giang chỉ ra rằng các thị trường chính là Trung Quốc, Nga vẫn chưa khai thác được. Khách Nhật Bản cũng giảm. Vietnam Airlines đang xoay xở để tìm cách bù đắp lượng thiếu hụt, như chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines và Đức vào tháng 6 tới, hy vọng đón thêm luồng khách mới.

Bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup, chia sẻ, trong 3 năm đại dịch và đến nay, bản thân doanh nghiệp cũng thấm đòn. Gần đây, khách quốc tế đã tăng nhưng chưa như kỳ vọng. Tại một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng hay Phú Quốc, lượng khách nước ngoài mới đạt 84-85%. Du khách vẫn gặp rào cản về visa và đường hàng không.

Liên quan đến chính sách visa, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holding, nhận xét, chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chưa nhanh, chưa linh hoạt bằng các nước.

Việc quy hoạch, xác định thị trường trọng điểm cũng còn khá mơ hồ. Cần xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc,... 

Hơn nữa, ông Kỳ nêu thực trạng lâu nay trong ngành du lịch là khách Việt Nam đi Thái Lan rất đông. Mỗi người có thể đi nhiều lần, còn khách du lịch đến Việt Nam chỉ một lần rồi không quay trở lại. Trong khi theo thống kê, chi phí để khai thác một khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới. 

Đề xuất miễn visa cho khách Trung Quốc, hợp tác với Thái Lan

Đánh giá nước ta có đầy đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên, môi trường cùng các yếu tố khác để phát triển du lịch nhưng chưa thể tăng trưởng nhanh, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, băn khoăn: Làm sao để tăng trưởng khách quốc tế? Làm sao đón nhiều du khách mà chi phí thấp nhất? 

Trong đó, ông Bình thừa nhận thực tế là số lượng khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều.

Ông cho rằng, muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. "Để có được chính sách visa mới, ngành du lịch phải chờ đợi hơn 10 năm. Nếu muốn mở hơn thì có lẽ cũng phải chờ tiếp hơn 10 năm nữa. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu", ông Bình nói.

Ông Võ Việt Hòa kiến nghị, để tăng lượng khách đến Việt Nam và tăng tỷ lệ khách quay lại, cần có chính sách hấp dẫn hơn nữa về visa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc nên đại diện Saigontourist đề xuất miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Về xúc tiến thương mại du lịch, ngoài việc đồng hành cùng tham gia các sự kiện, hội chợ, đơn vị này cũng mong muốn du lịch Việt Nam sớm có văn phòng xúc tiến ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc,...

Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thì lưu ý cân nhắc việc liên kết với Thái Lan - điểm đến được khách quốc tế lựa chọn nhiều - và các nước trong khu vực, để thu hút khách quốc tế.

Mới đây, Thái Lan bày tỏ mong muốn liên kết đổi mới đường bay, sản phẩm du lịch, để khách tới Thái Lan sẽ đi tiếp sang các nước lân cận như Việt Nam, Campuchia,... Đây cũng là một hướng mới để tăng doanh thu, số khách đến và khách quay trở lại. 

Hơn nữa, ông Phương cho rằng khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều, đều ở khách sạn. Nghiên cứu cho thấy, chi tiêu của khách doanh nhân mới ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại,... Do đó, cần phát triển thêm sản phẩm du lịch để kích thích nhu cầu chi tiêu của đối tượng khách giàu tiềm năng.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa năm 2024 là mục tiêu rất tham vọng. 

Để đạt được, ngành du lịch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung vào việc hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045 - đang chờ Thủ tướng phê duyệt; tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến xanh, bền vững; đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại du lịch dựa trên các phân khúc: du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt. 

Thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài - đây điểm yếu của Việt Nam so với các nước. Trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).