"Chuyến bay đến Lukla tựa như cuốn phim mạo hiểm. Phi trường nằm ở độ cao 2.860m so với mực nước biển, có đường băng ngắn nhất thế giới, chỉ 527m. Đường băng nằm trên một vách đá giữa những ngọn núi, một đầu là vực sâu thăm thẳm, một đầu chắn bởi một ngọn núi sừng sững khác.
Phi công phải hạ cánh chính xác 100% bởi xung quanh chỉ có núi cao, vực thẳm, không có bất cứ mặt bằng nào khác để đáp xuống khi có sự cố. Không ít người đã thiệt mạng tại phi trường này”, chị Hoàng Thúy Anh, một người Việt hiện sống tại thành phố Dallas (Texas, Mỹ) chia sẻ về chuyến đi tới Everest, Nepal hồi tháng 3.
Năm 5 tuổi, chị Hoàng Thúy Anh (TPHCM) đã có ước mơ được đi khắp thế giới. Đến nay, nữ du khách người Việt đã đến 113 quốc gia, 6 lục địa. Chuyến đi đến Everest, qua sân bay Lukla - nơi được mệnh danh “sân bay nguy hiểm nhất thế giới” là một trong những trải nghiệm "thót tim" với chị.
Theo Forbes, Lukla không phải sân bay dân sự cao nhất thế giới, nhưng độ cao của Lukla vẫn là một thử thách với phi công và du khách. Ở độ cao này, mật độ không khí thường thấp hơn đáng kể so với khu vực gần mực nước biển. Điều này tác động tới nguồn năng lượng động cơ máy bay tạo ra, làm giảm lực nâng. Ngoài ra lực cản không khí cũng giảm sâu nên phi công khó khăn trong việc giảm vận tốc máy bay.
Địa hình đồi núi xung quanh sân bay không cho phép phi cơ bay vòng quanh để chờ hạ cánh. Chỉ trực thăng hay máy bay cánh quạt nhỏ mới được hoạt động.
Nằm ở Himalaya nên thời tiết khu vực quanh sân bay rất khó đoán. Sương mù đột ngột, mưa bão hay tuyết luôn có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, những chiếc máy bay phải quay trở lại Kathmandu. Việc hủy, hoãn chuyến đến Lukla không hề hiếm.
Tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra tại đây là vào năm 2008 khiến 16 hành khách, 2 thành viên trong phi hành đoàn thiệt mạng. Phi công là người duy nhất sống sót. Lí do được cho là vì sương mù, phi công bị che tầm nhìn, khiến máy bay đâm vào núi.
"Trước chuyến đi tôi đã đọc rất nhiều thông tin về Lukla. Không ít bạn bè, đối tác khuyên tôi hãy cân nhắc, đừng mạo hiểm. Tuy nhiên, khao khát hoàn thành ước mơ chinh phục thế giới khiến tôi không bỏ cuộc”, chị Thúy Anh chia sẻ với VietNamNet.
Nữ du khách từng bay tới núi Salt flat Salar de Uyuni ở Bolivia (với độ cao khoảng 6.000m so với mực nước biển) nên không xa lạ với việc chinh phục điểm đến ở độ cao “khủng”.
Chị Thúy Anh mất khoảng 34 giờ bay và 10 giờ chờ đợi do trễ chuyến, để từ Mỹ tới Kathmandu, thủ đô Nepal. Dựa theo kinh nghiệm của những du khách từng chinh phục Everest, trên chuyến bay, chị cố gắng nghỉ ngơi, uống nước và ngủ nhiều nhất có thể. “Việc uống nhiều nước trên máy bay rất bất tiện, nhưng tôi phải đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể trước khi chinh phục Everest”, nữ du khách cho hay.
Những chuyến bay từ Kathmandu tới sân bay Lukla phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chuyến bay thường khởi hành vào buổi sáng khi thời tiết đẹp, không mưa, không sương mù. Nhiều du khách phải chờ đợi 5-7 ngày mới có chuyến bay.
"Tôi may mắn khi sau một đêm nghỉ ở Kathmandu thì có thể tham gia chuyến bay đến Everest. Đoàn du khách gồm 5 người và một phi công. Trong suốt chuyến bay, du khách không được phục vụ đồ ăn uống. Trên máy bay, toàn bộ hành khách phải đeo tai nghe có bộ đàm liên lạc hai chiều, để tiếp nhận các thông tin trực tiếp từ phi công”, chị Thúy Anh kể.
Tùy theo điều kiện thời tiết, chuyến bay kéo dài từ 45-60 phút. Càng lên cao, gió càng to, nhiệt độ giảm sâu. "Trực thăng bay vừa đủ cao để du khách chiêm ngưỡng những đỉnh núi cao nhất thế giới ở dãy Himalaya. Có những lúc tôi cảm giác máy bay suýt chạm vào đỉnh núi, rồi có thời điểm lại tưởng như sắp lộn nhào giữa không trung, giữa những sườn núi cao chót vót. Cảnh tượng đủ làm tim muốn rớt ra ngoài”, nữ du khách nhớ lại.
Trước khi hạ cánh xuống đường băng, máy bay bị chao đảo lắc lư khoảng 10 phút khiến mọi du khách đều căng thẳng. "Sợ hãi và lo lắng nhưng không ai dám hét lên. Điều đó có thể khiến phi công giật mình”, chị Thúy Anh nói. Tuy nhiên, người phi công kinh nghiệm đã đáp xuống đường băng rất nhanh gọn và chuẩn xác.
Chị Thúy Anh cho biết, gọi là sân bay nhưng thực ra đây chỉ là chỗ trống nhỏ giữa hẻm núi. Khác với những sân bay trên thế giới, Lukla không hề có phòng chờ, ghế ngồi và không gian rất nhỏ. Bên cạnh đường băng là ngôi làng thưa thớt dân cư.
Tại đây, đoàn khách ban đầu chia thành 2 nhóm. Ba người tiếp tục hành trình chinh phục Everest bằng đường bộ, chỉ còn chị Thúy Anh và một du khách Nga ngồi chờ máy bay, tiếp tục bay lên Everest sau 10 phút nghỉ ngơi.
Theo nữ du khách Việt, chuyến bay lên đỉnh Everest yêu cầu rất cụ thể về trọng lượng. Chuyến bay này thường chở không quá 3 khách và khách không mang theo hành lý nặng.
Điểm dừng của chuyến bay tiếp theo là khách sạn Everest View (cao 3.962m) - nằm giữa những hẻm núi của Himalaya và khu trại nền Everest (Everest Base Camp - khu trại thô sơ trên hành trình lên đỉnh Everest) ở độ cao gần 5.400m.
Khách sạn nằm ở làng Namche, Nepal và được xây dựng vào năm 1968. Trong nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch và các phương tiện truyền thông, khách sạn Everest View được ca ngợi là một điểm đến lý tưởng cho những người ưa phiêu lưu mạo hiểm.
Để vận chuyển vật liệu lên địa điểm xây dựng, công nhân phải mất hai tuần đi bộ từ làng Lamusangu. Chỉ một số vật liệu quá nặng mới được vận chuyển trên một chiếc trực thăng. Dự án mất nhiều năm để hoàn thành do điều kiện khó khăn. Các vật liệu như cửa kính trượt được sử dụng trong các phòng, cửa kính cho phòng tắm nắng, chăn và đồ dùng ăn uống đều được nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tổng chi phí cho chuyến bay tới Everest của chị Thúy Anh là 3.300 USD (khoảng 84 triệu đồng), trong đó bay từ Kathmandu đến Lukla là 1.800 USD.
Trở về Kathmandu, chị Thúy Anh có 5 ngày khám phá thành phố này và chờ đợi chuyến bay sang Bhutan. Tại Kathmandu, chị Thúy Anh có những trải nghiệm khó quên như chứng kiến tục đốt xác của người Hindu. "Người dân dùng sữa bò để lau rửa cho người đã khuất, sau đó đem thiêu ngay tại chỗ bằng củi. Tro cốt được thả xuống dòng sông", nữ du khách bộc bạch.