- "Đi tắm biển về phải xả vòi nước rửa chân ngoài cho hết cát rồi mới vào khách sạn đằng này họ đi thẳng lên phòng làm cho sảnh, thang máy, hành lang toàn cát với nước biển. Bực mình nhất là khăn, dép, áo choàng ... khách đưa từ phòng này sang phòng khác làm nhân viên đi tìm hết hơi", một độc giả tố thói xấu của khách du lịch người Việt.

"Cầm nhầm" đồ của bạn trong đoàn

Sau khi đọc bài Nhục nhã vì thói hư tật xấu của khách Việt ở xứ văn minh nhiều độc giả chia sẻ, họ cũng đã phải nhiều phen "ê mặt" vì cách hành xử của các du khách Việt ở trời tây.

Trao đổi với VietNamNet, chị Việt Hương (32 tuổi, Hà Nội) nói, tâm lý chung của nhiều người Việt đi du lịch là xả hơi, "quậy" hết mình. Họ vất vả cả năm trời mới tiết kiệm được một số tiền đi chơi nên họ phải "chơi thật đã" để đổi lại số tiền mình phải bỏ ra. 

Chị từng đi cùng đoàn du lịch của cơ quan và chứng kiến nhiều cảnh đáng buồn. Khi đi ăn họ lấy thật nhiều, ăn không hết họ còn dấu ít hoa quả, bánh tráng miệng...vào túi xách mang lên phòng ăn tiếp.

{keywords}
Bãi biển sau mỗi mùa du lịch (Ảnh minh họa)

Vào phòng khách sạn, họ bật điện khắp nơi, tivi không xem cũng mở ra rả cả buổi, dép đi trong phòng thì chạy ra cả ngoài hành lang...Nhiều quản lý khách sạn, nhân viên dọn phòng không hài lòng cũng không dám ý kiến gì với các "thượng đế".

Chị cho biết thêm, có lần đi du lịch cùng công ty của chồng, chị còn chứng kiến một bà khách cao tuổi (mẹ của một nhân viên trong đoàn) lấy dép bông (loại đi trong phòng khách sạn) đem cho vào túi mang về. Khi phát hiện mất 2 đôi dép đi trong phòng, nhân viên lễ tân đã không cho đoàn trả phòng. 

Việc này gây chậm trễ khi mọi người đến giờ phải ra sân bay mặc dù vậy bác khách này vẫn kiên quyết không chịu đưa đôi dép ra và nhận lỗi. Cuối cùng để không có rắc rối quản lý khách sạn đã phải để đoàn khách trả phòng và ra sân bay.

Tương tự, bạn Phan Vũ cũng kể, trong một đoàn du lịch của anh còn xảy ra chuyện "cầm nhầm" của cả bạn trong đoàn. Anh nói: "Có những người giàu nhưng phông văn hóa rất kém, khi được nhắc nhở còn sửng cồ lên".

Bỏ dở bữa ăn vì đoàn khách Việt

Cũng trong một lần ở xứ người, độc giả Phạm Nguyên cho biết, lần đấy anh đang ngồi ăn tại một nhà hàng VN ở thành phố LasVegas (Mỹ) thì có phái đoàn du lịch (khoảng 25-30 người) người Việt vào ăn. 

Trong lúc ăn họ nói chuyện rất lớn, vì không chịu nổi một số khách Mỹ đang ăn nửa chừng phải tính tiền và bỏ đồ ăn vào hộp mang đi. Dưới bàn ăn của các khách Việt, khăn giấy nằm la liệt thậm chí còn vướng cả lên cả giày của họ.

{keywords}
Khách Việt thường phàn nàn, đòi hỏi và đặc biệt ở bẩn (Ảnh minh họa)

Cũng chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt, bạn Phạm Nguyên đang là sinh viên ở Nha Trang chia sẻ, lần nào có đoàn khách Việt vào thuê phòng là bạn ngán ngẩm. Theo Nguyên, họ ỷ mình là khách hay phàn nàn, đòi hỏi đặt biệt là ở bẩn.

Bạn đọc này viết: "Đi tắm biển về phải xả vòi nước rửa chân ngoài cho hết cát rồi mới vào khách sạn đằng này họ đi thẳng lên phòng làm cho sảnh, thang máy, hành lang toàn cát với nước biển. Họ vào phòng tắm rửa làm nước lênh láng từ phòng tắm ra phòng ngủ. Bực mình nhất là khăn, dép, áo choàng ... khách đưa từ phòng này sang phòng khác làm nhân viên đi tìm hết hơi".

Phạm Nguyên nhấn mạnh, khách tây họ cũng đi theo đoàn nhưng không ầm ĩ, họ đến làm thủ tục nhận phòng là im lặng hoặc nói chuyện vừa đủ nghe. Trong khi đoàn Việt Nam như cái chợ.

"Khách Việt thì ôi thôi không muốn nhắc đến. Họ không uống uống cafe cũng đem ra pha, uống xong chê cafe dở. Lúc xé túi đường họ làm đổ làm tung tóe đầy phòng. Khách tắm xong, xà bông, kem đánh răng dính đầy nhà vệ sinh, khăn tắm đem làm khăn lau chân. Mình sợ nhất là khoản khách ăn mì, ăn xong ném cả hộp mì đầy nước vào thùng rác. Mình còn ngán ngẩm nói gì đến người dọn", bạn đọc Tấn Hưng viết.

Kết quả là người Việt đã tạo nên một "thương hiệu" đáng buồn. Anh Nguyễn Mai, một người từng đi nước ngoài nhiều lần, kể: "Có một lần đối tác của vợ tôi ở Hồng Kông mời sang bên họ thăm công ty. Khi qua cửa an ninh để về Việt Nam thì hải quan nước này thấy người Việt Nam đã đưa chúng tôi sang cửa khác để kiểm tra riêng".

Phương Lễ