Tại các hộ chăn nuôi đàn nhỏ, tỷ lệ tiêm phòng rất thấp

Trong các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm thì tiêm vắc-xin phòng bệnh là quan trọng mà mỗi hộ chăn nuôi cần tuân thủ. Đồng thời, kết hợp tiêm phòng đúng kỹ thuật, liều dùng, đúng tuổi tiêm. Đây là những yếu tố cơ bản cần tuân thủ để khâu tiêm phòng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, để khâu tiêm phòng cúm gia cầm đạt tỷ lệ cao, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của người chăn nuôi dù chăn nuôi quy mô lớn hay nhỏ lẻ. Thực tế qua rà soát, ngành thú y cho rằng các trường hợp chăn nuôi quy mô lớn chấp hành tốt việc tiêm phòng bệnh, còn số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đồng thuận tiêm phòng cúm gia cầm chưa cao.

Theo quan sát, đối với những đàn quy mô trên 100 con, bà con quan tâm nhiều về vấn đề kinh tế nên ý thức người chăn nuôi luôn cao, hầu hết các hộ đều chủ động tiêm phòng bệnh cho gia cầm. Tại nhiều địa phương trong cả nước, những đàn lớn, tỷ lệ tiêm phòng thường đạt 100%. Tuy nhiên, tại các hộ nuôi gà, vịt nhỏ lẻ thường ít quan tâm phòng bệnh, nhất là các hộ chăn nuôi đàn nhỏ dưới 30 con thì tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. 

{keywords}
Theo cơ quan chuyên môn, để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cần lưu ý khai báo tình trạng sức khỏe gia cầm với cán bộ thú y trước khi tiêm phòng. Ảnh Duy Linh

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Cục Thú y trung ương, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho gia cầm phải đảm bảo khoảng 80% trở lên, tỷ lệ bảo hộ cao, công tác phòng dịch mới đạt hiệu quả.

Bởi vậy, trong bối cảnh người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn thờ ơ phòng chống dịch cho đàn vật nuôi, các địa phương bên cạnh việc tăng cường giám sát, cần nỗ lực tuyên truyền hiệu quả, vận động người dân thay đổi nhận thức, phối hợp với ngành thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm.

Tăng cường thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch cúm gia cầm

Để những giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao hơn trong các giai đoạn thay đổi thời tiết, nhiều đại phương đã yêu cầu phải báo cáo hàng tuần về thông tin tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho Ban chỉ đạo. Trong chỉ đạo điều hành thường xuyên, các lãnh đạo tỉnh luôn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền đến cơ sở, do vậy yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Báo, Đài địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, tăng cường số trang tuyên truyền về các giải pháp, nâng cao ý thức tiêm phòng. Lưu ý tăng cường tuyên truyền ở các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa không vứt xác động vật ra môi trường.

{keywords}
Ảnh Duy Linh

Để các hộ chăn nuôi chủ đọng, các địa phương có văn bản yêu cầu trạm chăn nuôi và thú y các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Cụ thể, đối với vắc-xin cúm gia cầm Navet - Vifluvac phụ type (subtype) H5N1, có công dụng phòng bệnh cúm gia cầm subtype H5N1 và subtype H5N6 gây ra cho gà, vịt, ngan, sử dụng tiêm cho các đàn khỏe mạnh tại địa phương. Phòng bệnh cho gà từ 14 ngày tuổi trở lên, tiêm 1 mũi vào dưới da cổ phía trên, liều 0,5ml/con; sau 2-3 tuần tiêm nhắc lại mũi 2, 0,5ml/con; tiêm tái chủng sau 6 tháng, liều 0,5ml/con. Trên vịt, tiêm ở giai đoạn từ 14-35 ngày tuổi; tiêm 1 mũi vào dưới da cổ phía trên, liều 0,5ml/con; sau 2-3 tuần tiêm nhắc lại mũi 2, 0,5ml/con. Đối với vịt trên 35 ngày tuổi, tiêm 1 mũi vào cơ ngực, liều 1ml/con. Tiêm tái chủng sau 6 tháng, liều 1ml/con.

{keywords}
Ảnh Duy Linh

Đối với vắc-xin cúm gia cầm tái tổ hợp vô hoạt (Subtype H5N1, chủng Re-6), có công dụng phòng bệnh cúm gia cầm do vi-rút Subtype H5N1 gây ra. Với gà từ 2-5 tuần tuổi, tiêm dưới da cổ phía trên, liều 0,3ml/con; gà trên 5 tuần tuổi, tiêm vào cơ ngực, liều 0,5ml/con, tiêm tái chủng sau 4 tháng, liều 0,5ml/con. Khi tiêm phòng bệnh cho vịt từ 2-5 tuần tuổi thì tiêm 1 mũi vào dưới da cổ phía trên, liều 0,5ml/con; sau 21 ngày tiêm nhắc lại mũi 2, liều 1ml/con. Vịt trên 5 tuần tuổi thì tiêm 1 mũi vào cơ ngực, liều 1ml/con, sau 21 ngày tiêm nhắc lại mũi 2, liều 1ml/con. Đối với loại vắc-xin này, tiêm tái chủng sau 4 tháng, liều 1ml/con. Về phạm vi tiêm phòng, ưu tiên sử dụng vắc-xin cúm gia cầm tái tổ hợp vô hoạt (Subtype H5N1, chủng Re-6) để tiêm phòng cho những đàn gia cầm có số lượng lớn; có kết quả lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi-rút cúm gia cầm dương tính với vi-rút cúm A/H5N1. Đồng thời, được áp dụng cho những địa phương có đàn gia cầm đã tiêm Navet - Vifluvac nhưng vẫn mắc bệnh cúm gia cầm…

Minh Thu