Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 tại TP.HCM. Dự khai mạc có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM...

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, những năm qua ngành Xuất bản nói riêng và hoạt động phát triển văn hóa đọc của thành phố nói chung có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ, có dấu ấn, góp phần lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng trong người dân.

hoi sach 6 2.jpg
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM (phải) và ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (trái).

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 tại TP.HCM được tổ chức từ 15/4 - 1/5, cao điểm từ ngày 17 - 22/4 tại đường Công trường Công xã Paris, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Đường sách thành phố Thủ Đức cùng 21 quận, huyện... với hơn 300 các hoạt động, sự kiện. Trong đó, nhiều chương trình đặc sắc kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống và yếu tố hiện đại như: chuỗi talkshow với các chuyên đề về sách, sách cổ, sách nói, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, giao lưu, ký tặng sách...

img 20240419 140434.jpg
10 Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024-2025: Hoa hậu Lương Thùy Linh, nhà văn - nhà báo Bùi Tiểu Quyên, sư cô Suối Thông, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông Lê Hoàng, em Huỳnh Anh Thư, doanh nhân Lê Trí Thông, nhà văn - nhà báo Phương Huyền, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Dương Thành Truyền (từ phải qua).

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024-2025. Đây là các đại diện ở nhiều lĩnh vực như xuất bản, báo chí, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, học sinh, sinh viên… Dịp này, Ban tổ chức cũng công bố thành lập Câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM.

Nằm trong khuôn khổ chương trình, bộ sách Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt NamTín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam với chủ đề Tỏa sáng ngàn năm văn hóa Việt cũng được giới thiệu tới độc giả.  

Cuốn Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam đem đến cho độc giả cơ hội “thưởng lãm” những báu vật trên khắp Việt Nam, từ đó có được sự hiểu biết một cách hệ thống, xuyên suốt, sâu sắc về 265 bảo vật của đất nước, góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị quý giá của nghìn năm văn hiến.

265 bảo vật quốc gia được trình bày trong cuốn sách là những hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, đang lưu giữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật. Cũng bởi có giá trị đặc biệt quý hiếm, nên việc công nhận bảo vật quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.

hoi sach 5.jpg
Nhà văn Quách Lê Anh Khang và GS.TS Trương Quốc Bình tại sự kiện (từ trái qua).

Tại sự kiện, GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia chia sẻ: "Những bảo vật quốc gia theo đúng nguyên tắc phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng hiện nay chúng ta chưa có những phương tiện, biện pháp hiệu quả để bảo quản. Tôi đến bảo tàng ở Nghệ An, 3 bảo vật được đưa ra từ kho của bảo tàng khiến tôi rất bất ngờ và buồn! Tôi không nghĩ, một bảo vật quốc gia lại được bảo quản rất sơ sài như vậy... Thế nên về lâu dài, chúng ta phải có ý thức hơn nữa trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị của dân tộc".

Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam còn giúp bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuốn sách giới thiệu về các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn, nhưng cũng đủ giúp bạn đọc có cái nhìn cơ bản về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật, kèm theo hình ảnh sắc nét.

Đọc sách Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, độc giả sẽ hiểu sâu hơn về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ nhiều góc độ, cũng như việc khai thác, phát huy các giá trị của loại hình tín ngưỡng này ở trong và ngoài nước. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa, mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. 

Nhà văn Quách Lê Anh Khang bày tỏ sự tự hào khi nhìn thấy văn hoá của Việt Nam không chỉ được lan toả ở trong nước mà còn trên toàn cầu. "Khi đọc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, có đoạn viết về đền thờ của các Vua Hùng ở nước ngoài khiến tôi rất bất ngờ và tự hào. Tôi tin rằng, dù có ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, con người Việt Nam cũng sẽ không thể quên được nguồn cội của mình", nhà văn Anh Khang chia sẻ.

Phước Sáng

(Ảnh: Yến Thơ)