Nghiêm ngặt trong cấp phép khai thác cát biển
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Luật này nhằm khắc phục bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Điều 90 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở biển phải phù hợp với nhiều quy hoạch như: Lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; thủy lợi; thủy điện; phòng chống lũ; nhóm cảng biển, vùng nước; quy hoạch không gian biển quốc gia...
Hoạt động khai thác phải được giám sát bằng thiết bị công nghệ hiện đại để kiểm soát biến động trữ lượng, nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng môi trường. Việc khai thác cát, sỏi phải đề phòng nguy cơ sạt lở lòng bờ, bãi sông và công trình.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát biển, cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép phải có văn bản chấp thuận từ cơ quan liên quan về các vấn đề quốc phòng, an ninh, thủy sản, bảo vệ môi trường, giao thông hàng hải.
Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, biển có thời hạn tối đa không quá 5 năm và được xem xét gia hạn, cấp lại cho đến hết trữ lượng quy định trong giấy phép. Tổ chức, cá nhân khai thác, cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển có nghĩa vụ đăng ký bến bãi, vị trí tập kết, loại phương tiện.
Phải khai báo rõ ràng những thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển; lắp thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
Có thể thấy rõ, các điều kiện khai thác tài nguyên nói chung, cát biển nói riêng ngày càng nghiêm ngặt. Do đó, thông tin tỉnh Sóc Trăng mới được cấp phép khai thác 145 triệu m3 cát biển phục vụ các dự án làm đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa to lớn thế nào.
Khai thác phải bảo vệ môi trường, chống sạt lở
Thực tế Luật Khoáng sản hiện hành quy định cát là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổ chức, cá nhân khai thác cát làm vật liệu xây dựng được miễn giấy phép nếu khai thác trong diện tích đất của dự án đã được cấp phép và sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Tổ chức, cá nhân khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch với UBND cấp tỉnh; phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2011 đến hết 2023, cả nước có hơn 3.000 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (hiệu lực từ 2011), nhiều quy định đã bộc lộ bất cập. Việc khai thác cát, sỏi lòng sông, đất đá phục vụ dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn do đó cát biển mới được bổ sung vào danh mục khai thác.
Tuy nhiên, cát biển không phải địa phương nào cũng có, không phải chỗ nào cũng có thể khai thác, không phải “thích múc là múc”. Mới đây Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã phải ra văn bản đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng tác động của khai thác cát biển làm nền đường các dự án cao tốc ảnh hưởng (nếu có) đến sạt lở ven bờ và các tác động môi trường liên quan đến đất nông nghiệp nơi có đường giao thông đi qua (cát biển sẽ làm nhiễm mặn đất nông nghiệp).
Cũng theo Ủy ban Quốc phòng An ninh, việc dùng cát biển thay thế cát sông nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu cho dự án giao thông đồng bằng sông Cửu Long giúp các dự án được đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường, chống sạt lở ven biển, chống nhiễm mặn khu vực đường cao tốc đi qua cần có những báo cáo khảo sát rõ ràng và theo dõi sát sao.
Được biết, để tìm nguồn nguyên liệu đắt nền cao tốc, trước đó Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã tích cực làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ. Theo đó các bộ ngành liên quan đã chấp thuận hồ sơ đăng ký khai thác 22 mỏ vật liệu, trong đó có cát biển, trong đó Trà Vinh và Sóc Trăng có các mỏ phù hợp để xây cao tốc.