Phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động không chỉ đảm bảo kết nối việc nhận/gửi văn bản giữa giữa các Bộ/Ngành/Địa phương mà còn có thể chia sẻ/kết nối dữ liệu theo các chuẩn khác nhau, đáp ứng được vấn đề quản lý tập trung, đồng thời dữ liệu được phân tán để đảm bảo được tính chủ động của các Bộ/Ngành/Địa phương trong việc phát triển cơ sở dữ liệu đặc thù của riêng mình. Đây là hệ thống đặc biệt quan trọng và là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
”Tập đoàn VNPT cam kết chung tay, hợp tác cùng các Doanh nghiệp CNTT trong nước và Quốc tế nghiên cứu, đưa các ứng dụng tiên tiến nhất vào triển khai để xây dựng và hình thành nên một tương lai số tốt đẹp cho đất nước Việt Nam” - Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng nhất mạnh.
Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, VNPT được Văn phòng Chính phủ giao phó nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia để thực hiện việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các Bộ/ngành/địa phương và giữa các Bộ/ngành/địa phương.
Ngay khi nhận được yêu cầu, VNPT đã nhanh chóng bắt tay tổ chức đội ngũ với hơn 100 kỹ sư CNTT để nghiên cứu, tham khảo học hỏi từ đối tác nước ngoài để phát triển hệ thống, đồng thời tổ chức đội ngũ CNTT tại các Tỉnh/thành phố để hỗ trợ trực tiếp cho 95 bộ/ngành/địa phương trong quá trình phối hợp thử nghiệm kết nối liên thông.
Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện, VNPT đã thiết lập và duy trì nhiều cấp hỗ trợ tại từng Bộ/ngành/địa phương để đảm bảo giải quyết các vướng mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống là một yếu tố đặc biệt quan trọng, được yêu cầu thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tập đoàn VNPT đã chú trọng công tác bảo mật, trong cả triển khai hạ tầng mạng lưới, lựa chọn công nghệ sử dụng lẫn trong quá trình xây dựng phần mềm. Các trung tâm dữ liệu của VNPT hiện đều đang đạt chuẩn bảo mật quốc tế Tier 3. Nền tảng công nghệ X-ROAD sử dụng các máy chủ bảo mật với Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối của các Bộ/ngành/địa phương. Trong quá trình phát triển phần mềm, VNPT áp dụng mô hình và tiêu chuẩn quốc tế CMMI và ISO 27001. Cả hai mô hình và tiêu chuẩn này đều đưa ra các yêu cầu về bảo mật rất cao trong thiết kế, xây dựng, phát triển phần mềm và quản lý rủi ro chủ động cho sản phẩm dịch vụ.
Với kinh nghiệm triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: chính phủ điện tử, y tế, giáo dục…, với quyết tâm cao, từ tháng 10/2018, cùng với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn VNPT đã tiến hành nhiều đợt triển khai thử nghiệm ở nhiều quy mô, nhiều cấp. Từ ngày 19/01/2019, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm cho 95 đơn vị. Sau hơn 1 tháng hoạt động, với hơn 10000 văn bản được liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ/ngành/địa phương và giữa các bộ/ngành/địa phương. Sau khi đã được Bộ Công an và Cục An toàn thông tin đánh giá về việc đảm bảo an ninh và an toàn thông tin, tới nay hệ thống đã đảm bảo sẵn sàng để đi vào hoạt động chính thức.
Thúy Ngà