Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Nha Trang và Vạn Ninh, trong đó Diên Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã NTM, trong đó có 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh hơn 4.000 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn ngân sách các cấp (vốn sự nghiệp kinh tế và vốn đầu tư phát triển), vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác (doanh nghiệp, lồng ghép).
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Đến nay, toàn tỉnh có 64/92 xã (đạt 69,5% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hầu hết các xã ở đồng bằng đều đã đạt chuẩn NTM.
Ngoài những kết quả đạt được, chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, các tiêu chí, chỉ tiêu của chương trình có nhiều thay đổi, nâng cao hơn nhiều so với trước, trong khi tỉnh đang ở vào thời kỳ quy hoạch. Các yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kết quả thực hiện chương trình. Do đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM của tỉnh thấp hơn bình quân chung cả nước (73,65%); một số tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm còn thấp; một số mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 08 chưa đạt yêu cầu.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngoài nguyên nhân khách quan, kết quả chương trình chưa như mong đợi có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cơ quan có thẩm quyền chưa lãnh đạo, chỉ đạo để hướng dẫn giải quyết dứt điểm những lúng túng của một số địa phương trong việc lựa chọn phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng chương trình NTM hay chương trình phát triển đô thị; chưa có kế hoạch cụ thể điều chỉnh, bổ sung việc tham gia chương trình NTM đối với một số xã bị ảnh hưởng trong quá trình lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch; một số cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được cụ thể hóa kịp thời. Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình; việc cụ thể hóa Nghị quyết số 08 còn chậm; việc huy động nguồn lực từ xã hội tham gia chương trình chưa cao; còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép việc điều chỉnh, gia giảm lộ trình các xã đạt chuẩn NTM nhưng phải đảm bảo không hạ thấp chỉ tiêu số lượng xã đạt chuẩn NTM và xã đạt chuẩn NTM nâng cao đã nêu trong Nghị quyết số 08.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; huyện Diên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu nói trên, trong năm 2024, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư, chỉ đạo để có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Vạn Thạnh, Ninh Tây, Ninh Thượng, Sơn Tân, Sơn Bình), nâng số xã được công nhận đạt chuẩn lên 70/92 xã (76,1% số xã); 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Vạn Thắng, Ninh Thân, Ninh Tân, Ninh Phú, Ninh Sơn, Vĩnh Trung, Diên Hòa, Diên Thọ, Cam Tân, Cam Hải Đông, Cam Lập), nâng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 30/92 xã (32,6% số xã); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Ninh Quang), không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí.
Được biết, tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình là 1.489 tỉ đồng trong đó, vốn sự nghiệp kinh tế 131 tỉ đồng và vốn đầu tư phát triển là 1.358 tỉ đồng.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm khẩn trương thực hiện kế hoạch đạt chuẩn huyện nông thôn mới; huyện Diên Khánh thực hiện kế hoạch đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; thành phố Nha Trang hoàn tất hồ sơ trình Trung ương xét, công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2024…