Nuôi biển bền vững cho thu nhập cao
Đầu tháng 12, sau khi kiểm tra đàn cá bớp trong lồng nuôi trên biển, ông Phan Văn Thành ở Cam Ranh (Khánh Hoà) cho biết, cá được thả nuôi với mật độ 2.000 con/lồng, sau gần 8 tháng nuôi đạt kích cỡ 6 - 7 kg/con. Dự kiến, gia đình ông sẽ thu hoạch 12 tấn cá/lồng. Với giá bán 170.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí lợi nhuận thu được ước gần 1 tỷ đồng.
Ông Thành là một trong 10 hộ dân tham gia mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở ở Cam Ranh. Với mô hình này, 10 hộ dân được hỗ trợ lồng nuôi bằng vật liệu HDPE. Đối tượng nuôi là cá và tôm hùm. Các lồng nuôi đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử. Các mô hình nuôi sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp.
So với cách nuôi truyền thống bằng lồng bè gỗ thì nuôi cá, nuôi tôm bằng lồng bè chất liệu HDPE trên vùng biển hở hiệu quả hơn khi thời gian nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm ngắn hơn, tỷ lệ hao hụt ít hơn; người nuôi yên tâm hơn khi có sóng gió lớn, ông Thành chia sẻ.
Mô hình thí điểm bước đầu cho kết quả đột phá, mở ra hướng nuôi biển xa bờ của Khánh Hoà, giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế biển. Đồng thời góp phần quan trọng chuyển đổi sinh kế cho ngư dân theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài bờ biển trên 380km và hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang. Vùng biển Khánh Hòa đủ điều kiện thích hợp cho các đối tượng nuôi biển vì nằm sâu trong vịnh, kín gió, nhiệt độ nước hợp để nuôi quanh năm.
Với mục tiêu tích cực phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng, ông Nam cho biết, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản xây dựng Đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao, tập trung vào tái cơ cấu khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản.
“Chúng tôi đã cơ cấu lại tàu cá theo địa bàn, công việc, địa điểm lưu trú của ngư dân. Năm 2018, tỉnh có gần 10.000 tàu cá; hơn 1.200 tàu dài trên 15m. Sau khi cơ cấu lại, tỉnh còn khoảng 3.000 tàu đánh cá với gần 400 tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Nam cho hay.
Bên cạnh đó, Khánh Hoà cũng triển khai sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE, chịu được sóng lớn, bão, phù hợp cảnh quan, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018.
Kết hợp làm du lịch sinh thái, nghề cá giải trí
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề cao trách nhiệm của tỉnh Khánh Hòa và ủng hộ việc nâng cao năng lực cộng đồng để ngư dân cùng quản lý nguồn lợi thủy sản.
“Vừa qua, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi thăm mô hình cảng cá hiện đại, công nghệ cao tại Hàn Quốc. Cảng cá này được vận hành trên cơ sở hợp tác công - tư, doanh nghiệp cùng địa phương quản trị. Bộ sẽ trình Thủ tướng cơ chế quản trị công trình cảng cá tích hợp đa giá trị, từ du lịch tới sản xuất công nghiệp và xin cơ chế thí điểm cho cảng cá Hòn Rớ, Khánh Hòa”, Bộ trưởng cho hay.
Tại buổi đối thoại "đầu bờ" với ngư dân Khánh Hoà, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai. Theo ông, ngư dân đa phần mới chỉ suy nghĩ và tập trung khai thác con cá, con tôm dưới biển. Tuy nhiên, ngư trường đang dần cạn kiệt tôm cá, môi trường không thể tái tạo.
Thay vì chỉ khai thác hải sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở về những giá trị tiềm ẩn để phát triển du lịch, phát triển kinh tế bền vững nhưng bà con ngư dân địa phương chưa biết khai thác. Ví như câu chuyện lịch sử, văn hóa địa phương, cảnh sắc thiên nhiên, môi trường biển…
Ông cho rằng, đây là những giá trị trường tồn, thế hệ hôm nay vun đắp, thế hệ sau tiếp tục khai thác mà không lo bị cạn kiệt. Do đó, bà con ven biển có thể thay đổi nhận thức trong việc phát triển sinh kế. Vừa đánh bắt, vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm có hiệu quả với việc thu hút du lịch và bảo tồn nghề cá. Từ đó, đời sống kinh tế người dân nơi đây cũng thay đổi, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204, tỉnh Khánh Hoà đặt mục tiêu khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng, điều kiện tự nhiên để phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và cơ sở hạ tầng, du lịch hậu cần nghề cá góp phần ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn. Gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Khánh Hoà cũng đặt mục tiêu tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thuỷ sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế, chuyển đổi nghề của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.
Phát triển đội tàu khai thác thuỷ sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác. Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU.