Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17 với 5 nội dung là tỷ lệ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có hoạt động gây suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải thu gom và xử lý theo quy định. 

Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện.

Mới đây, đoàn công tác do ông Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến khảo sát, đánh giá tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Qua thẩm định hồ sơ minh chứng các chỉ tiêu, tiêu chí môi trường và kiểm tra thực tế tại nhà máy xử lý nước thải, bãi xử lý rác thải tập trung tại các xã, cảnh quan trên các tuyến đường… ông Nguyễn Hoàng Ánh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Tân Phú Đông đối với việc thực hiện tiêu chí môi trường.

Ảnh màn hình 2024 11 19 lúc 10.16.04.png
Khảo sát, đánh giá tiêu chí môi trường tại Tân Phú Đông. 

Được biết, thời gian qua, thực hiện tiêu chí môi trường, huyện Tân Phú Đông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện từng chỉ tiêu cụ thể.

Huyện tập trung tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia tổ chức các phong trào, hoạt động như: “5 không 3 sạch”; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”; “Ngày Chủ nhật xanh”; tuyến đường “Thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp”, tuyến đường cờ hoa; “Phân loại ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh”… mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Đại diện UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện luôn quyết liệt đối với công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Địa phương đã tập trung hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường.

Theo đó, tổng số hộ được đơn vị có chức năng thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt tỷ lệ 89,36%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt tỷ lệ 47,8%. Hiện nay, khối lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn huyện khoảng hơn 2 tấn/ngày và được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 58,44%. Trên địa bàn huyện có 7 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt. Các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Đối với tiêu chí chất lượng môi trường sống, Tân Phú Đông cũng đã tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành. Toàn huyện có 12.654 hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung là 11.971/12.654 hộ, chiếm tỷ lệ 94,6%. Hiện 100% trạm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện có tổ chức quản lý khai thác hoạt động bền vững.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện cũng được thực hiện đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Theo đó, huyện đã tổ chức trồng cây xanh các tuyến đường huyện, đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 50km. Đồng thời, tổ chức trồng 35 tuyến đường hoa trên địa bàn các xã với tổng chiều dài 18,5km.

Ngoài ra, địa phương còn vận động nhân dân tổ chức trồng hàng ngàn cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Tổng số hộ gia đình thực hiện chỉnh trang hàng rào, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp là 10.323/12.654 hộ, đạt tỷ lệ 81,51%.

Trong thời gian tới, huyện Tân Phú Đông chủ trương quan tâm hơn nữa việc vận hành nhà máy xử lý nước thải, định hướng phát triển du lịch sinh thái.

Đoàn công tác Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đã đề nghị huyện Tân Phú Đông tiếp tục bổ sung hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, minh chứng liên quan đến xây dựng huyện nông thôn mới.